Mới đây nhất là lần đấu thầu thứ 4, hôm 8/3 khi không có đơn vị quảng cáo nào tham gia bỏ thầu.
Để phân tích câu chuyện này, trước tiên hãy nói về chủ trương bán quảng cáo trên xe bus? Nó có khả năng sinh lời không? Câu trả lời là "Có", chí ít theo dự tính của ngành giao thông TP.HCM.
Theo tờ Lao động, con số thu về có thể lên đến hàng trăm tỷ đồng, giúp giảm ngân sách trợ giá xe bus hiện lên tới trên 1.000 tỷ đồng/năm. Nhiều lần xin để được bán quảng cáo nhưng phải đến năm 2017, UBND TP.HCM mới "bật đèn xanh" cho chủ trương này áp dụng đại trà. Tuy nhiên, trong năm đầu tiên đấu thầu, cũng chỉ có 492 xe bán được quảng cáo, còn trên 1.570 xe, tương đương 3/4 số xe bus hiện đang hoạt động, sau 4 lần đấu thầu vẫn không có ai tham gia.
Một trong những lý do được chỉ ra của việc ế thầu là phần "thịt ngon" thực ra đã bán hết. "Thịt" ở đây chính là các xe bus chạy các tuyến, bến bãi ở trung tâm thành phố, tương ứng 492 xe, đã bị mua hết. Sai lầm là ở chỗ, phần xương xẩu còn lại, các tuyến vùng ven, rìa ngoại thành lại được chào bán với giá ngang bằng với phần "thịt ngon", vì thế nên mới không có ai mua. Theo ông Nguyễn Quý Cáp, Chủ tịch Hội Quảng cáo TP.HCM, mặc dù giá thầu đã được các sở, ban, ngành TP.HCM thẩm định nhưng việc áp giá thực tế đã sai ngay từ đầu.
Nếu như ở Thủ đô, chi phí trung bình để quảng cáo trên 1 xe bus là 20 triệu đồng/năm, thì ngay từ đầu, TP.HCM đã áp mức giá lên đến 90-100 triệu đồng/năm là quá cao.
Ông Nguyễn Quý Cáp cũng cho rằng: "Khi thất bại đến lần thứ 4, Trung tâm quản lý giao thông công cộng và Sở GTVT phải ngồi lại xem giá sàn vậy đã hợp lý chưa để điều chỉnh chứ không thể khư khư giữ nguyên rồi cứ thế chấp nhận thất bại".
Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP.HCM cũng đã phải thừa nhận điều này. Tờ Giao thông trích ý kiến của Giám đốc trung tâm này còn cho biết một nguyên nhân nữa dẫn đến thất bại khi đấu thầu là việc phải đặt cọc trước ít nhất 5% giá trị khởi điểm của gói thầu. Điều này gây khó khăn và rủi ro cho các DN. Trong khi xu thế quảng cáo đã dịch chuyển sang truyền hình, website và mạng xã hội.
Theo dự tính của Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP.HCM, nếu việc tổ chức đấu thầu lần tới vẫn không thành công thì đơn vị này sẽ thay đổi phương án. Đó có thể giao cho một đơn vị bán lẻ và không nhất thiết phải đấu giá theo giá sàn có sẵn mà sẽ thương lượng hoặc nghiên cứu giao cho DN vận tải chủ động bán quảng cáo.
Như cụm từ được tờ Lao động miêu tả: "Xương xẩu mà bán giá cao", có lẽ nếu đây là câu chuyện mua bán thông thường của các công ty tư nhân thì chắc chắn sẽ không có chuyện cố giữ giá mà để ế hàng suốt một thời gian dài vì đơn giản là chậm bán ngày nào, lỗ ngày đó. Hệ lụy với câu chuyện đấu thầu quảng cáo trên xe bus tại TP.HCM thực ra cũng vậy, chậm bán ngày nào, ngân sách thất thu ngày đó.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!