Theo nhận định của giới phân tích, tại cuộc họp cuối cùng của năm nay trong ngày 4/12, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) sẽ phát đi thông điệp mạnh mẽ về sự sẵn sàng của ngân hàng này trong việc tung ra các biện pháp kích thích bổ sung để hỗ trợ nền kinh tế đang trì trệ của Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone), nhưng về hành động thì sẽ phải chờ đến đầu năm tới.
Do lạm phát ở Eurozone giảm một cách đáng báo động trong những tháng gần đây, ECB đang chịu sức ép gia tăng trong việc phải thực hiện các biện pháp kích thích mạnh mẽ như các Ngân hàng trung ương nước Anh, Nhật Bản và Mỹ. Theo số liệu chính thức, lạm phát tại 18 nước sử dụng đồng tiền chung đã giảm xuống 0,3% trong tháng 11, từ mức 0,4% trong tháng 10, gây lo ngại về nguy cơ giảm phát. ECB dự kiến sẽ công bố dự báo mới nhất về tăng trưởng và lạm phát vào ngày 4/12 và các dự báo về lạm phát trong trung hạn có thể sẽ luôn "xa rời" mục tiêu 2% mà ECB đề ra. Việc ECB có thể hạ đáng kể dự báo về tăng trưởng và lạm phát sẽ cho ngân hàng này thêm lý do để tăng cường các biện pháp kích thích kinh tế.
ECB đã thực hiện nhiều biện pháp chống giảm phát như hạ lãi suất xuống các mức thấp kỷ lục, bơm một lượng vốn chưa từng có với lãi suất thấp cho các ngân hàng thông qua chương trình tái cấp vốn dài hạn và cũng đã thông báo chương trình mua tài sản (chứng khoán bảo đảm bằng tài sản và chứng khoán có đảm bảo) để cung cấp thanh khoản cho thị trường tài chính. Cho đến nay, ECB vẫn chưa thực hiện chính sách nới lỏng định lượng (QE), tức là mua trái phiếu chính phủ với quy mô lớn, bơm lượng tiền được in mới vào nền kinh tế nhằm thúc đẩy tăng trưởng và lạm phát. Đây là công cụ mà cả Cục Dự trữ Liên bang Mỹ, Ngân hàng trung ương Anh và Ngân hàng trung ương Nhật Bản đều đã thực hiện.
Một lý do khiến ECB vẫn trì hoãn trong việc thực hiện QE là sự nghi ngờ về hiệu quả của nó, đặc biệt là từ Đức, do lo ngại việc này sẽ khuyến khích các chính phủ vay mượn một cách thiếu thận trọng khi chi phí vay mượn giảm, trong khi không cải cách nền kinh tế và đặt gánh nặng lên vai người đóng thuế Đức khi xảy ra vỡ nợ.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam TV Online.