Thương hiệu và làm thế nào để lan tỏa được thương hiệu là câu chuyện sống còn của hạt gạo Việt Nam, nhất là khi giá trị và sản lượng gạo xuất khẩu mỗi năm một giảm. Từ cao điểm năm 2011, nước ta xuất khẩu 7 triệu tấn, đến mới đây Hiệp hội Lương thực Việt Nam đề nghị chỉ nên còn 2-3 triệu tấn/năm, trong khi không phải vì ta không làm đủ mà vì không ai mua. Nhìn xa về phía trước, vấn đề thương hiệu gạo Việt sẽ là chuyện cấp thiết nếu ta còn muốn xuất khẩu.
Tại Trung Quốc, nơi tiêu thụ 50% sản lượng gạo Việt Nam nhưng có rất nhiều người không biết rằng họ đang ăn hạt gạo đến từ Việt Nam. Tại các siêu thị ở Bắc Kinh và các tỉnh, thành phía Bắc Trung Quốc, rất khó tìm thấy các mặt hàng gạo Việt Nam, chủ yếu là gạo nhập từ Thái Lan, Lào, Campuchia.
Còn tại thị trường trong nước, hạt gạo Việt đang được định vị như thế nào? Theo ghi nhận của phóng viên VTV tại một cửa hàng gạo trong khu chợ Thành Công, Hà Nội, trong nửa giờ đồng hồ, trong số 3 người mua gạo, có 2 người hỏi mua gạo Thái và Nhật.
Chị Vũ Thị Tám đã có 20 năm bán gạo ở chợ Thành Công cho biết, tại thị trường trong nước gần như không có khái niệm gì về thương hiệu gạo. Chị và nhiều người mua chỉ biết gọi và sử dụng theo tên giống hoặc tên địa phương.
Thực tế gạo thơm và gạo trắng hạt dài của Việt Nam từng có giống lúa đạt giải gạo ngon đứng thứ 3 thế giới nhưng việc không có thương hiệu quốc gia đã dẫn đến khả năng định vị đối với nhà nhập khẩu, phân phối, tiêu dùng trên thế giới còn rất yếu, thậm chí là không hề có tên trên bản đồ thương hiệu gạo.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!