Đây là thông tin do Tổng cục Thống kê đưa ra tại họp báo công bố tình hình kinh tế - xã hội vừa diễn ra chiều 27/3.
3,82% là mức tăng trưởng thấp nhưng đây vẫn là mức tăng khá so với các nước trong khu vực khi dịch COVID-19 đã ảnh hưởng đến toàn thế giới thời gian qua. Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chỉ tăng 0,08%; dịch vụ tăng 3,27%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 5,15%. Đây là các ngành đóng vai trò động lực chính của nền kinh tế nên khi chuỗi sản xuất, giao thương có gián đoạn đã phải chịu ảnh hưởng mạnh.
Tăng trưởng kinh tế chậm lại cũng phản ánh ở số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn lên tới 18.600 doanh nghiệp, tăng 26% so với cùng kỳ năm 2019. Tuy nhiên, kết quả điều tra xu hướng kinh doanh cho thấy các doanh nghiệp kỳ vọng COVID-19 sẽ kết thúc sớm nên dự báo tình hình sản xuất trong Quý II sẽ khả quan hơn.
Điểm đáng chú ý trong Quý I là vốn thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước đã đạt 13,2% kế hoạch cả năm, tăng hơn 16% so với cùng kỳ năm 2019. Đây là tín hiệu tích cực và là lực đẩy quan trọng cần tiếp tục duy trì trong thời gian tới.
Dự báo nền kinh tế Quý II sẽ tiếp tục gặp nhiều thách thức trong bối cảnh dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp. Trong đó, chỉ số giá tiêu dùng bình quân Quý I tăng tới 5,56% so với cùng kỳ năm 2019, mức tăng bình quân cao nhất trong 5 năm gần đây và là thách thức lớn cần được kiểm soát chặt chẽ hơn trong thời gian tới để đạt được mục tiêu Quốc hội đề ra là CPI tăng dưới 4% trong cả năm nay.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!