Trong phiên giao dịch đầu tuần kết thúc đêm 5/9 (theo giờ Việt Nam), thị trường khí đốt châu Âu tiếp tục ghi nhận những biến động mạnh, sau khi tập đoàn năng lượng Gazprom của Nga cho biết, đường ống Dòng chảy phương Bắc 1 - tuyến cung cấp khí đốt quan trọng cho châu Âu sẽ dừng hoạt động vô thời hạn vì lý do kỹ thuật.
Động thái này càng làm gia tăng lo ngại về tình trạng thiếu hụt khí đốt ở Liên minh châu Âu (EU) trong mùa Đông này, đồng thời đẩy giá năng lượng lên những mức cao mới.
Theo Bloomberg, giá khí đốt tiêu chuẩn tại thị trường châu Âu có thời điểm đã tăng tới 35%, trước khi hạ nhiệt và đóng cửa ở mức cao hơn 15% so với phiên trước đó. Giá khí đốt giao tháng 10 trên sàn giao dịch tại Hà Lan cũng tăng mạnh, hiện cao hơn gần 400% so với cùng kỳ năm ngoái.
Giá khí đốt liên tục leo thang trong năm nay đã tác động mạnh đến người tiêu dùng châu Âu đang gặp khó khăn và khiến một số ngành công nghiệp phải tạm ngừng sản xuất. Hiện các nước EU đang phải chạy đua tìm nguồn cung cấp khí đốt thay thế để lấp đầy các kho dự trữ cho mùa Đông.
Giá khí đốt liên tục leo thang trong năm nay. Ảnh minh họa - Ảnh: DPA
Giá khí đốt tác động tiêu cực đến thị trường tài chính châu Âu
Những lo ngại về nguồn cung khí đốt cũng lan sang thị trường chứng khoán châu Âu. Chốt phiên giao dịch đêm 5/9 (theo giờ Việt Nam), hầu hết các chỉ số chủ chốt của khu vực đều giảm điểm. Trong đó, cổ phiếu nhóm ngành công nghiệp ô tô mất gần 5% giá trị, còn nhóm ngành dầu khí cũng giảm khoảng 2%.
Còn trên thị trường tiền tệ, đồng Euro có thời điểm đã bị đẩy xuống mức 1 Euro đổi 0,9876 USD - mức thấp nhất trong vòng 20 năm qua, trước khi phục hồi nhẹ trở lại, nhưng vẫn giảm 0,2% trong cả phiên.
Chuyên gia của Goldman Sachs dự báo, với triển vọng ảm đạm của nguồn cung năng lượng, đồng Euro có thể giảm sâu hơn, xuống mức 0,97 USD và duy trì ở quanh mức này trong vòng 6 tháng tới.
Châu Âu cố gắng hạn chế tác động từ khủng hoảng năng lượng
Cú sốc trên thị trường năng lượng đang khiến các quốc gia châu Âu vô cùng lo ngại. Chính phủ các nước hiện đang gấp rút triển khai các gói hỗ trợ trị giá hàng tỷ Euro nhằm hỗ trợ người tiêu dùng và doanh nghiệp vượt qua cuộc khủng hoảng năng lượng chưa từng có tiền lệ ở châu Âu.
Tại Thụy Điển và Phần Lan, giới chức chính phủ đã gấp rút vạch ra các kế hoạch nhằm hỗ trợ cho các công ty sản xuất điện. Dự kiến, Thụy Điển sẽ cung cấp gói bảo lãnh trị giá 23 tỷ Euro để các doanh nghiệp có thể vay tiền ngân hàng, thanh toán tiền ký quỹ cho việc mua khí đốt từ các sàn giao dịch. Một kế hoạch bảo lãnh trị giá 10 tỷ Euro cũng sẽ được triển khai tại Phần Lan.
Ông Mikael Damberg - Bộ trưởng Tài chính Thụy Điển cho hay: "Giá khí đốt thay đổi sẽ khiến các nhà sản xuất điện, bao gồm cả những công ty có nền tảng vững chắc, có thể rơi vào tình trạng thiếu thanh khoản. Tiếp đó, việc các công ty này chậm thanh toán sẽ lại khiến các sàn giao dịch đối mặt với nguy cơ thua lỗ và dẫn tới những rủi ro rất lớn đối với sự ổn định tài chính không chỉ ở Thụy Điển, mà còn cả khu vực Bắc Âu và Baltic".
Cú sốc trên thị trường năng lượng đang khiến các quốc gia châu Âu vô cùng lo ngại. Ảnh minh họa - Ảnh: Bloomberg.
Việc bảo lãnh cho các công ty năng lượng sẽ làm gia tăng gánh nặng tài chính đối với các chính phủ. Đức - quốc gia phụ thuộc rất nhiều vào khí đốt Nga, vừa công bố gói hỗ trợ năng lượng thứ ba trong năm nay trị giá 65 tỷ Euro, để hỗ trợ người tiêu dùng và doanh nghiệp. Berlin cũng cho biết, có kế hoạch giữ 2 trong số 3 nhà máy điện hạt nhân còn lại ở chế độ chờ, nhằm đảm bảo có đủ điện cho mùa đông.
"Đây là một quyết định nhạy cảm vì điện hạt nhân là một công nghệ có rủi ro cao và nên cho ngừng hoạt động vào cuối năm nay. Nhưng việc đưa các nhà máy vào chế độ chờ là một quyết định mang tính phòng ngừa cần thiết, để chúng có thể tiếp tục được sử dụng trong tình huống bắt buộc", ông Robert Habeck - Bộ trưởng Kinh tế Đức lý giải.
Sau cuộc điện đàm hôm đầu tuần với Thủ tướng Đức Olaf Scholz, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết, Paris và Berlin đã nhất trí về việc hỗ trợ lẫn nhau trong trường hợp thiếu hụt năng lượng.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nói: "Đức cần khí đốt của chúng tôi, còn chúng tôi cần điện từ những nước còn lại ở châu Âu, đặc biệt là Đức. Trong những tuần tới, chúng tôi sẽ hoàn thiện các kết nối cần thiết để có thể xuất khẩu khí đốt sang Đức mỗi khi có nhu cầu".
Bộ trưởng Bộ Năng lượng các nước EU dự kiến sẽ họp khẩn vào ngày thứ Sáu tuần này để tìm cách ứng phó với giá điện leo thang. Một số phương án sẽ được đưa ra thảo luận bao gồm việc áp giá trần đối với khí đốt nhập khẩu từ Nga và cung cấp tín dụng khẩn cấp cho các công ty trong lĩnh vực năng lượng.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!