Giá lợn hơi "chạm đáy", lo thiếu thịt dịp Tết Nguyên đán

Ban Thời sự-Thứ bảy, ngày 23/10/2021 08:47 GMT+7

VTV.vn - Thời điểm này mặc dù giá lợn hơi gần như "chạm đáy" nhưng người tiêu dùng đang phải trả đắt gấp đôi, gấp 3 thậm chí gấp 5 lần cho 1kg thịt lợn.

Giá thịt vẫn "neo cao" - vì sao?

Hiện lợn tại chuồng dư thừa khoảng 8 triệu con. Giá xuất chuồng khoảng 40.000 - 45.000 đồng/kg, cá biệt có nơi có thời điểm gần như đã "chạm đáy" ở mức 30.000 - 35.000 đồng/kg. Đối với những trang trại có lợn nái, tức không phải mua con giống thì giá 50.000 - 52.000 đồng/kg mới hòa vốn.

Trong khi đó, giá thịt lợn tại chợ vẫn ở mức 80.000 - 110.000 đồng/kg, thậm chí ở siêu thị có loại còn lên tới 200.000 đồng/kg.

Năm ngoái, do dịch tả lợn nên nguồn cung giảm, giá lợn xuất chuồng tăng cao nên giá bán lẻ cao. Nhưng năm nay, ngay cả khi lợn dư thừa người tiêu dùng cũng chưa được mua thịt lợn giá rẻ.

Giá lợn hơi chạm đáy, lo thiếu thịt dịp Tết Nguyên đán - Ảnh 1.

Giá thịt tại các chợ, siêu thị vẫn "neo cao". Ảnh minh họa - Ảnh: Dân trí.

Trao đổi với phóng viên VTV, ông Nguyễn Kim Đoán, Phó Chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi Đồng Nai cho biết, với nguồn cung khan hiếm hoặc trong thời gian bị giãn cách của TP Hồ Chí Minh, các siêu thị hoặc đơn vị bán lẻ viện lý do vận chuyển khó khăn. Tuy nhiên, thực tế hiện việc lưu thông, phân phối đã dễ dàng nhưng người tiêu dùng vẫn phải mua thịt giá cao.

Liên quan đến giá thịt lợn ở siêu thị, một số lập luận cho rằng giá do chất lượng tốt hơn, chăn nuôi theo tiêu chuẩn nên giá thành cao hơn, không thể bán như giá thịt lợn ngoài chợ. Xung quanh lập luận này, ông Đoán cho rằng các mặt hàng thịt lợn bán ở siêu thị cũng đều thu mua lợn từ các trang trại của nông dân, hoặc tại một số cơ sở chăn nuôi.

"Lợn nuôi ở trang trại cũng không khác gì miếng thịt bán ở chợ truyền thống hoặc siêu thị. Đây chỉ là một cách viện cớ của siêu thị để bán đắt giá lên", ông Đoán bày tỏ.

Vào tháng 4 và tháng 7/2020, khi giá lợn lên cao đỉnh điểm, Chính phủ đã từng giao Ủy ban cạnh tranh Quốc gia cần kiểm soát tốt hơn nữa từ sản xuất đến lưu thông của các chuỗi sản xuất, nhất là chuỗi thịt lợn nhằm không để các khâu trung gian hưởng lợi quá lớn, còn người tiêu dùng phải chịu thiệt. Tuy nhiên, chi phí ở khâu trung gian đến nay vẫn khó giảm.

Theo ông Đoán, 60 - 70% sản lượng cung ứng cho thị trường đang do các doanh nghiệp lớn cung cấp. "Thời gian tới nếu các doanh nghiệp vẫn tiếp tục năm phần lớn sản lượng thị trường như hiện nay, người tiêu dùng vẫn luôn chịu giá thịt lợn cao", ông Đoán nhận định.

Điều tiết thị trường chậm trễ?

Giá bán ra quá thấp trong khi đầu vào gồm giống và thức ăn thì người chăn nuôi phải trả mức giá quá cao. Lo ngại tái đàn là lỗ nên lúc này, nhiều hộ chăn nuôi đang phá đàn bằng cách ngay khi lợn mẹ đẻ con ra thì hủy luôn lợn con. Nguy cơ từ thừa sang thiếu sẽ hiện hữu vào Tết Nguyên đán và những tháng đầu năm sau.

Với giá lợn giảm như hiện nay, những trang trại lớn, chủ động được con giống có thể cầm cự được còn những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ đang rơi vào tình cảnh thua lỗ. Trong khi đó, theo Cục chăn nuôi, Bộ NN-PTNT, chăn nuôi nông hộ hiện vẫn chiếm tỷ lệ lớn, khoảng 10 triệu hộ.

Thời điểm này, nhiều địa phương chăn nuôi lớn đã đề nghị Bộ Công Thương tháo gỡ rào cản về kỹ thuật đông lạnh để các cơ sở đông lạnh tăng cường thu mua của nông dân cấp đông; đồng thời đưa thịt lợn vào danh mục được bảo trợ, hỗ trợ chế biến.

"Nhà nước phải khuyến khích các nhà máy giết mổ lớn ở ngoại thành và mỗi tỉnh có một cái để giết mổ đưa vào thành phố thì sẽ chủ động", ông Nguyễn Văn Ngọc - Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đông Nam Bộ nói.

Giá lợn hơi chạm đáy, lo thiếu thịt dịp Tết Nguyên đán - Ảnh 2.

Giá lợn hơi bán ra đang "chạm đáy" khiến các hộ chăn nuôi thua lỗ nặng. Ảnh minh họa - Dân trí.

Chiều 22/10, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cũng đã chủ trì cuộc họp với Bộ Công Thương và Bộ NN-PTNT để bàn các giải pháp đẩy mạnh tiêu thụ thịt lợn.

Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương khẩn trương tổ chức các cuộc họp, làm việc với các địa phương để khôi phục hoạt động các chợ đầu mối, chợ truyền thống theo tinh thần Nghị quyết 128; mở các cửa hàng bình ổn giá để thúc đẩy tiêu dùng. 

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu phải tổ chức thanh, kiểm tra, làm rõ chi phí của từng khâu trong chuỗi giá trị, thanh kiểm tra sự chênh lệch giá bán (giữa giá thịt lợn hơi và giá bán tại chợ, siêu thị); rà soát lại việc xuất - nhập khẩu thịt heo; kịp thời xử lý những vi phạm nếu có.

Bộ NN-PTNT làm việc cụ thể với các doanh nghiệp chế biến, các hộ tiêu thụ lớn, các doanh nghiệp có năng lực dự trữ, chế biến để đẩy mạnh tiêu thụ, sử dụng sản phẩm thịt trong nước nhằm chia sẻ bớt khó khăn với người chăn nuôi. Đồng thời, tăng cường quản lý giá bán các sản phẩm đầu vào của ngành, nhất là thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y; xây dựng kế hoạch tái đàn, chăn nuôi theo tín hiệu thị trường đặc biệt cho dịp cuối năm và Tết Nguyên đán.

Nhiều ý kiến cho rằng dường như Bộ NN-PTNT và Bộ Công Thương đã khá chậm trễ, không có điều tiết kịp thời để đảm bảo quyền lợi cho số đông là người chăn nuôi và người tiêu dùng.

Chương trình Vấn đề hôm nay với sự tham gia trực tiếp của ông Nguyễn Văn Ngọc - Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi, Bộ NN-PTNT và ông Nguyễn Văn Ngọc sẽ có những bình luận cụ thể về các vấn đề trên. 

Giá lợn giảm sâu, nông dân “treo chuồng”, nguy cơ thiếu thịt vào cuối năm Giá lợn giảm sâu, nông dân “treo chuồng”, nguy cơ thiếu thịt vào cuối năm

VTV.vn - Tiêu thụ thịt lợn, gia cầm giảm. Người chăn nuôi đang lâm vào tình cảnh khó khăn. Nhiều hộ dừng kế hoạch tái đàn, tăng đàn vì đối mặt với nguy cơ thua lỗ.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước