Giảm thuế, “hạ nhiệt” giá xăng dầu

Ban Thời sự-Chủ nhật, ngày 27/03/2022 10:45 GMT+7

VTV.vn - Tuần qua, việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua Nghị quyết về mức thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu, mỡ nhờn đã thu hút được sự quan tâm từ người dân và báo chí.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu, mỡ nhờn, qua đó từ ngày 1/4 đến hết năm nay, sẽ giảm thuế 2.000 đồng/lít xăng, giảm 1.000 đồng/lít dầu diezel, dầu mazut và dầu nhờn.

Việc giảm mức thuế bảo vệ môi trường so với hiện hành sẽ làm giá bán lẻ xăng giảm tương ứng 2.200 đồng/lít, theo tờ Người lao động.

Trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, cần có giải pháp điều hành để ổn định thị trường xăng dầu trong nước. Vì vậy, theo báo Lao động, việc điều chỉnh giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn là giải pháp phù hợp và cần thiết dù sẽ làm giảm thu ngân sách khoảng gần 24.000 tỷ đồng.

Sau thuế môi trường, xăng dầu có giảm tiếp thuế khác?

Là mặt hàng thiết yếu nên việc giảm giá xăng dầu sẽ có tác động tới mọi mặt của đời sống nhân dân và các hoạt động kinh tế - xã hội. Báo Công an nhân dân đặt câu hỏi: "Sau thuế môi trường, xăng dầu có giảm tiếp thuế khác?".

Giảm thuế, “hạ nhiệt” giá xăng dầu - Ảnh 1.

Việc giảm giá xăng dầu sẽ có tác động tới mọi mặt của đời sống nhân dân và các hoạt động kinh tế - xã hội. (Ảnh: TTXVN)

Bài báo đưa ý kiến các chuyên gia đánh giá, phải tính dài hơi hơn, có kịch bản nhiều hơn nữa, như khi giá xăng dầu biến động mạnh hơn, lên mức 130, thậm chí 150 USD/thùng, Bộ Công Thương có thể đề xuất tiếp tục giảm các thuế đối với xăng dầu như: thuế tiêu thụ đặc biệt, giá trị gia tăng hay đa dạng hóa nguồn cung.

Nguyên Cục trưởng Cục quản lý giá, Bộ Tài chính, ông Nguyễn Tiến Thỏa nhấn mạnh: "Về lâu dài, cần có các giải pháp cải cách để điều hành xăng dầu đúng với cơ chế thị trường".

Sẽ là cực đoan nếu kêu gọi bỏ hẳn một số loại thuế đối với xăng dầu (như thuế Bảo vệ môi trường, hoặc thuế Tiêu thụ đặc biệt), nhưng trong giai đoạn khó khăn, rất cần thiết cân nhắc để giảm thuế, tờ Đại đoàn kết bình luận. Đó cũng là cách bình ổn thị trường, để phục hồi, phát triển sản xuất mà không làm cạn kiệt nguồn thu.

Những câu hỏi khó về xăng

Đánh giá cao quyết sách này của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân có bài phân tích trên tờ Tuổi trẻ: "Những câu hỏi khó về xăng".

Ông Ngân nhắc lại, để giảm được 50% thuế bảo vệ môi trường như trên, thẩm quyền thuộc về Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nhưng theo trình tự cũng mất một thời gian mới quyết định được nên ngay lúc này, phải tính đến giải pháp khác. Đó là xác định xăng là mặt hàng thiết yếu, phải đưa ra khỏi đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt để kịp trình Quốc hội; có thêm chính sách hỗ trợ người dân, ổn định kinh tế vĩ mô, đến khi khó khăn đi qua, trở lại đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng cũng không muộn.

Người lao động làm thêm không quá 60 giờ

Cũng trong tuần qua, Ủy ban Thường vụ quốc hội cũng đã thông qua nghị quyết về số giờ làm thêm trong 1 năm, qua đó người lao động làm thêm sẽ không quá 60 giờ mỗi tháng

Việc tăng giờ làm thêm được cân nhắc hết sức thận trọng, khách quan, kỹ lưỡng và trách nhiệm trên cơ sở hài hòa lợi ích của người lao động và người sử dụng lao động, báo Người lao động đánh giá.

Nhiều ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhấn mạnh, phương án chỉ làm thêm không quá 60 giờ mỗi tháng, chứ chọn phương án không quá 72 giờ, là phù hợp trong điều kiện hiện nay. với mục tiêu xuyên suốt là Tăng lương và giảm giờ làm. Doanh nghiệp muốn tăng năng suất lao động thì phải cải tiến kỹ thuật, đảm bảo tăng lương, giảm giờ làm cho người lao động. Đảng, Nhà nước ta luôn chủ trương không đánh đổi sức khỏe và sinh mạng người dân để lấy tăng trưởng.

Nâng trần làm thêm chỉ là tạm thời

Đồng tình với quyết định trên, nhưng một số chuyên gia lao động cho rằng: "Nâng trần làm thêm giờ chỉ là giải pháp cấp bách, tạm thời".

Theo Phó Ban Chính sách, pháp luật, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Lê Đình Quảng, làm thêm giờ là vấn đề phức tạp, phải tính tới nhiều yếu tố, bởi nhiều nghiên cứu và thực tiễn đã khẳng định làm thêm giờ nhiều sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất cũng như tinh thần, gia tăng bệnh tật, tăng rủi ro lao động, năng suất giảm…

Do đó, phải khẳng định rằng, tăng giờ làm thêm chỉ là giải pháp tình thế giúp doanh nghiệp phục hồi sản xuất, áp dụng trong thời gian ngắn. Về lâu dài, cơ quan quản lý cần có chính sách bền vững, nâng cao năng suất lao động chứ không thể coi tăng giờ làm thêm là giải pháp chủ đạo.

Buôn lậu xăng dầu và hệ lụy kinh tế Buôn lậu xăng dầu và hệ lụy kinh tế

VTV.vn - Buôn lậu xăng dầu không phải là câu chuyện mới, nhưng ở thời điểm giá xăng dầu liên tục tăng, việc buôn lậu mặt hàng này lại càng gia tăng mạnh cả về số vụ và số lượng.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước