Theo tờ Đầu tư, khi làn sóng người Hàn Quốc đổ về Việt Nam để đầu tư, mở công ty đang ngày càng đông, như điện tử, may mặc, GS25 - một thương hiệu vốn đã quen thuộc ở xứ sở Kim Chi - sẽ chơi bài chiếm cảm tình của những người đồng hương.
Về lâu dài, tiềm năng bán lẻ vẫn là nguyên nhân chính mà GS25 tiến vào Việt Nam khi họ thấy rằng ở Hàn Quốc cứ 1.000 người thì có 1 cửa hàng tiện lợi; còn ở Việt Nam, phải có tới 69.000 người mới có 1 cửa hàng. Dư địa khai thác còn rất lớn.
Tuy nhiên, với những lý lẽ trên, GS25 chưa đủ thuyết phục về khả năng cạnh tranh. Trong khi Circle K và Mini Stop vừa bán tạp hóa vừa bán thức ăn nhanh; Shop&Go bán cả vé số Vietlott; 7-Eleven thì ra mắt với việc làm 100 món ăn mới hàng ngày, cùng ứng dụng trên di động. Ngay cả ông lớn trong nước là Vinmart+ cũng thường phô trương thế mạnh của mình ngay khi bước vào cửa hàng là rau sạch và thịt tươi sống.
Điểm cộng của GS25 là văn hóa Hàn Quốc rất được yêu thích tại Việt Nam. Vì vậy, để cạnh tranh với các thương hiệu khác, GS25 tin rằng các sản phẩm đậm chất Hàn Quốc sẽ tạo ra sự khác biệt lớn với giới trẻ ở Việt Nam.
Thêm vào đó, GS25 đã nhanh chóng tìm được một đối tác đủ mạnh tại Việt Nam để liên doanh giúp họ phát triển chuỗi, đó là tập đoàn Sơn Kim. Tham vọng của thương hiệu này vì thế còn lớn hơn 7-Eleven. Trong khi 7-Eleven chỉ tuyên bố hướng tới 1.000 cửa hàng trên cả nước trong 10 năm, thì cùng khoảng thời gian đó, GS25 đặt mục tiêu gấp 2,5 lần là 2.500 cửa hàng.
Tuy nhiên, đó chỉ là những mục tiêu và con số của tương lai mà bất kỳ nhà bán lẻ nào cũng đặt ra. Điều quan trọng nhất, theo tờ Đầu tư, muốn trụ vững được ở Việt Nam, GS25 hay bất cứ nhà bán lẻ nào phải mang lại được thu nhập ổn định cho những người chủ kinh doanh nhượng quyền - một khái niệm còn chưa thực sự được phổ biến rộng rãi và có kinh nghiệm ở Việt Nam.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!