Ngành sản xuất đường châu Âu chưa thấy dấu hiệu khả quan sau mấy năm liên tục năm sau khó khăn hơn năm trước. Tờ Le Figaro ra tại Pháp có bài "Ngành đường vẫn đang lao đao" dẫn những thống kê của "một vụ đường 2019 đáng quên". Sản lượng củ cải đường giảm 3,2% so với vụ trước. Nông dân chán nản nên đến tháng 12, vẫn còn 10% ruộng củ cải chưa thu hoạch. Nhiều người bỏ ruộng tới mức tính cả nước Pháp, diện tích trồng củ cải đường giảm 6%. Tuy nhiên, dù sản lượng và diện tích giảm nhiều nhưng giá củ cải vẫn thấp như năm 2018. Bài báo ước tính, "Nông dân thua lỗ từ 300 - 500 Euro/ha củ cải đường trong năm 2019".
Một báo khác của Pháp là tờ Tiếng vang tính ra rằng, từ tình hình củ cải đường "bi thảm" như vậy, sản lượng đường tinh luyện của cả nước Pháp sụt giảm 16% trong năm nay. Bài báo nhấn mạnh, đã có khoảng 1.500 nông dân Pháp buộc phải từ bỏ cây củ cải đường, một phần là do thiên tai gây mất mùa mà giá bán sản phẩm lại vẫn quá thấp, vừa mất mùa lại vừa mất giá. Bài báo kết thúc bằng thông tin, từ một năm nay, Liên minh châu Âu phải nhập khẩu đường do 2 năm hạn hán liên tiếp.
Ở châu Âu có hai nước sản xuất nhiều củ cải đường là Pháp và Đức. Tình hình nông dân Đức cũng không khá hơn nông dân Pháp. Tờ Peiner Allgemeine ra tại Đức viết về tâm trạng suy sụp của nông dân trồng củ cải đường, phàn nàn về hạn hán dai dẳng mấy năm liền, trong lúc thị trường đường thế giới đi xuống. Tuy nhiên, vấn đề chính yếu là do đường sản xuất tại Đức không chống chọi nổi với đường tinh luyện nhập khẩu giá rẻ.
Thị trường châu Âu thông thương, các hiệp định thương mại gỡ bỏ hạn ngạch nhập khẩu và thuế nhập khẩu, đường giá rẻ từ bên ngoài, chủ yếu là đường mía từ Brazil và Ấn Độ, đang tràn vào đe dọa ngành sản xuất đường châu Âu.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!