Nhiều thành phố trung Quốc thúc đẩy kinh tế hàng rong sau dịch bệnh
Theo Thời báo New York, tại Trung Quốc, khoảng 600 triệu người lao động có thu nhập chỉ khoảng 140 USD một tháng. Khi tỷ lệ thất nghiệp do dịch bệnh tại Trung Quốc có thể đã đạt 20%, thì vỉa hè đang dần trở thành một nguồn thu nhập tạm thời ổn định.
"Tôi từng là lao động tạm thời, không có việc làm cố định. Nhờ việc bán ốp điện thoại như thế này mà tôi cũng kiếm được kha khá trang trải cho cuộc sống hàng ngày" - anh Chen Guoying (người bán hàng rong) chia sẻ.
Các quầy hàng rong tại một chợ đêm ở Hà Nam (Trung Quốc) đầu tháng 6. (Ảnh: Xinhua)
Số liệu chính thức cho thấy có khoảng 27 thành phố tại Trung Quốc đã bắt đầu hưởng ứng chính sách cho phép người dân mở các quầy hàng rong, nhưng phải đúng nơi quy định và có giấy phép.
Thú vị hơn, tại tỉnh Vân Nam, chính quyền địa phương cũng có chính sách ưu ái những ai sở hữu siêu xe Bentley, Porsche hay Ferrari, Audi đều được miễn phí một lốt bán hàng rong tại một công viên địa phương. Sự kiện này đã thu hút sự chú ý của người dân khi rất nhiều chủ siêu xe đã bày bán đủ loại hàng trên nắp capo.
Không chỉ giới chức, mà các doanh nghiệp lớn cũng nhảy vào giúp đỡ các gánh hàng rong. Tập đoàn Alibaba có gói cho vay không lãi suất lên tới 70 tỷ Nhân dân tệ, trong khi nền tảng thương mại điện tử của tập đoàn này cũng kết nối các gánh hàng rong với những nhà máy công xưởng.
Nhiều thành phố lớn tại Trung Quốc nói "không" với bán hàng rong
Có thể nói, những gánh, quầy hàng rong đang trở thành một chiếc phao cứu sinh đối với những lao động thất nghiệp mùa dịch tại nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới, đồng thời góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy hoạt động tiêu dùng. Tuy nhiên, không phải địa phương nào cũng tỏ ra hào hứng với ý tưởng này. Tại nhiều thành phố của Trung Quốc, đặc biệt là các thành phố lớn, đã xuất hiện những ý kiến không đồng tình với việc thúc đẩy hoạt động bán hàng rong.
Quần áo được bày bán trên đường phố thành phố Vũ Hán của Trung Quốc. (Ảnh: Reuters)
Tờ Bắc Kinh nhật báo đưa ra nhận định, kinh tế hàng rong chưa phù hợp với thủ đô, các cơ quan quản lý đô thị sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát và xử lý các hành vi bày bán trên vỉa hè, lề đường.
Tờ Nhân dân nhật báo cho rằng, phát triển kinh tế hàng rong là vấn đề "nóng" nhưng không được "sốt", mở nhưng phải có quản lý, phải có trật tự.
Còn tại Thâm Quyến, chính quyền địa phương này cũng cho biết, kinh tế vỉa hè ở mức độ nào đó có thể giải quyết việc làm, nhưng không phải là liều thuốc vạn năng và không phù hợp với một đô thị hiện đại mang tầm quốc tế như Thâm Quyến.
Những rủi ro từ hoạt động bán hàng rong
Kinh tế hàng rong rất đặc biệt vì nó bộc lộ nhiều điểm trái ngược tại Trung Quốc. Nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới với công nghệ tài chính hàng đầu, có nhiều thành phố, trung tâm tài chính hiện đại, sầm uất không kém Âu Mỹ, nhưng đồng thời cũng có tới 88% hộ gia đình Trung Quốc có thu nhập dưới 2 USD/ngày. Những dịch vụ nguyên sơ hơn, như hàng rong, kinh tế vỉa hè, tuy bị coi là chưa hợp mỹ quan đô thị lại từng là nguồn sống của nhiều người. Và hiện tại, dịch bệnh đang khiến kinh tế vỉa hè một lần nữa được quan tâm.
"Ở một khía cạnh nào đó, chí ít việc cho phép những quán hàng rong này được kinh doanh cũng đã giảm tải áp lực nhất định tại những địa phương quá phụ thuộc vào ngân sách trung ương, phù hợp hơn với những thành phố nhỏ. Song vẫn chưa có gì chắc chắn mô hình kinh tế hàng rong này có thể ngay lập tức tạo ra nhiều công ăn việc làm, thúc đẩy tăng trưởng như chính phủ muốn tại các thành phố lớn ở tuyến đầu. Mô hình này sẽ phụ thuộc lớn vào những chính sách khuyến khích của từng địa phương" - bà Dan Wang (chuyên gia phân tích Tổ chức The Economist Intelligence Unit tại Bắc Kinh) nhận định.
Một người bán hàng rong sắp xếp sách tại quầy hàng của bà ở khu mua sắm Sanlitun, Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 5/6/2020. (Ảnh: Reuters)
"Trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ tái lây nhiễm, việc đảm bảo công tác vệ sinh hay tiến hành lẫy mẫu xét nghiệm tại những khu vực bán hàng rong là rất khó khăn. Tôi muốn nhấn mạnh rằng, kinh tế hàng rong không phải là một chiến lược mang tính dài hạn, mà tôi chỉ coi nó như cách để khuyến khích mọi người tham gia vào các hoạt động xã hội nhiều hơn sau một thời gian thực hiện giãn cách xã hội" - bà Dan Wang nói thêm.
Không thể phủ nhận hàng rong đang tạm thời "góp hơi thổi lửa" cho nền kinh tế tiêu dùng có thể cháy bùng lên sau nhiều tháng "ngủ đông" vì đại dịch. Tuy nhiên Trung Quốc đang đối diện với nguy cơ bùng phát dịch bệnh lần thứ 2, sau khi liên tiếp nhiều vụ phát hiện số ca bệnh mới trong cộng đồng tại Bắc Kinh. Do vậy, giới chức Trung Quốc sẽ phải hết sức cẩn trọng trong các quyết định khuyến khích gánh hàng rong phát triển vào thời điểm này.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!