Lần mở cửa này là bước đi đầu tiên của New York trong bối cảnh đối mặt với khủng hoảng kép, nghĩa là thành phố này sẽ mở thêm một số dịch vụ nhưng vẫn phải thực hiện các bước an toàn.
Ví dụ như ngành bán lẻ được phép mở cửa bán kiểu giao - nhận, chưa cho khách vào trong. Công trường xây dựng và nhà máy sản xuất được phép hoạt động, nhưng công nhân phải đeo khẩu trang và đứng cách nhau 6 bước chân (khoảng 2m). Phương tiện công cộng được tăng chuyến, nhưng nhận khách vừa phải, có nước rửa tay khô và cung cấp khẩu trang cho người cần.
New York đã vượt qua giai đoạn nguy nan nhất của đại dịch COVID-19. (Ảnh: Getty Images)
Nếu quy mô kinh tế của bang New York tương đương với Canada hay Hàn Quốc, thì thành phố New York đóng góp tới hơn 80% vào nền kinh tế đó. Vì vậy, dự kiến việc mở cửa bước 1 sẽ giúp khoảng 400.000 công nhân quay trở lại công việc bình thường.
Ngày 7/6, thành phố này đã dỡ bỏ lệnh giới nghiêm sớm một ngày. Nhiều người biểu tình đã về nhà. Nhiều người cần chuẩn bị để có thể đi làm, hoặc mở cửa trở lại hoạt động kinh doanh.
Các ngành dịch vụ của New York dựa chủ yếu vào khách du lịch. Thành phố này vẫn kêu gọi cách ly tự nguyện 14 ngày với người nước ngoài tới đây. Vì vậy, các chuyến bay quốc tế thưa thớt và chở người tới công tác là chủ yếu. Các nhà hàng, tiệm cắt tóc, phòng gym tạm thời chưa được mở.
New York mở cửa lại từng phần các hoạt động kinh tế. (Ảnh: Los Angeles Times)
Việc mở cửa lại được chia làm 4 bước, nên từ bước 1 này tới bước 4 (mở hoàn toàn nền kinh tế) sẽ còn là cả chặng đường dài. Mặc dù số ca nhập viện và tử vong ở New York đã giảm sâu, nhưng số ca nhiễm mới mỗi ngày vẫn vào khoảng 700 người. Vì vậy, xu hướng tiêu dùng thời gian tới sẽ vẫn là nhu yếu phẩm và hàng hóa phòng dịch như: khẩu trang, cồn sát khuẩn...
Có thể nói, việc mở cửa trở lại bước 1 của thành phố New York giống như một người phải ở trong nhà lâu, giờ được ra sân hít thở khí trời, chứ chưa được vận động mạnh.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!