Hội nghị chống tham nhũng toàn cầu bàn việc tăng cường tính minh bạch

Phương Huyền - Anh Dũng (PV THVN tại Anh)-Thứ năm, ngày 12/05/2016 22:54 GMT+7

Hội nghị được chủ trì bởi Thủ tướng nước chủ nhà David Cameron. (Nguồn: AFP/TTXVN)

VTV.vn - Làm sao để tăng cường minh bạch, tăng cường cơ chế chia sẻ thông tin giữa các quốc gia - đó là các giải pháp được bàn nhiều nhất tại Hội nghị chống tham nhũng toàn cầu.

Tại thủ đô London của Anh đang diễn ra Hội nghị chống tham nhũng toàn cầu. Hội nghị do Thủ tướng nước chủ nhà David Cameron chủ trì và có sự tham dự của đại diện các quốc gia được xem là nổi bật trong việc đối phó tham nhũng thời gian qua, các thành viên G20 và nhiều định chế lớn như Ngân hàng thế giới, Quỹ tiền tệ quốc tế, Tổ chức minh bạch quốc tế.

Trước hội nghị, Quỹ tiền tệ quốc tế đã đưa một con số giật mình, hiện tượng đưa hối lộ hiện nay đang khiến mỗi năm thế giới thất thoát từ 1,5 đến 2.000 tỷ USD. Báo chí Anh hôm nay trích dẫn một con số còn giật mình hơn, tham nhũng toàn cầu hiện nay đang ở mức 2,5 nghìn tỷ Bảng Anh 1 năm, tức là gần 4.000 tỷ USD, cao gần gấp đôi số liệu của IMF.

Một số tiền lớn ngoài sức tưởng tượng và nhìn vào con số này cũng rất dễ hiểu tại sao Thủ tướng Anh lại quyết liệt đến thế khi khẳng định, tham nhũng chiếm vai trò không nhỏ trong việc hạn chế các hiệu quả của giảm nghèo và đối phó với các tư tưởng khủng bố, cực đoan. IMF chia sẻ quan điểm này, khi nhìn nhận tham nhũng đang tác động đến một vài, hoặc thậm chí là tất cả các động lực của tăng trưởng, sự ổn định tài chính và đầu tư. Thậm chí theo IMF, cuộc khủng hoảng nợ công ở châu Âu suốt nhiều năm qua cũng có nguồn gốc sâu xa liên quan đến tham nhũng.

Các nhóm giải pháp chính được đề cập là nâng cao sự minh bạch, giảm tình trạng quan liêu trong bộ máy lãnh đạo, đẩy mạnh các chế tài phạt. Trong số này thì làm thế nào để cải thiện sự minh bạch vẫn được tập trung nhất. Không phải tự nhiên mà nước Anh mời đến London hôm nay lãnh đạo rất nhiều nền kinh tế kém phát triển. Theo danh sách của Tổ chức minh bạch quốc tế, 10 nước xếp hàng đầu trong danh sách các nước có tình trạng tham nhũng nặng nề nhất đều là các nước nghèo, phần nhiều là ở châu Phi.

Vấn đề với các nước này là nghèo, quản trị Nhà nước nhiều lỗ hổng, sẽ đi kèm với minh bạch thấp và càng tham nhũng nặng nề. Như cái vòng luẩn quẩn, vì vậy các giải pháp bàn nhiều nhất từ sáng đến giờ, tựu chung lại là xoay quanh vấn đề làm sao để tăng cường minh bạch, tăng cường cơ chế chia sẻ thông tin lẫn nhau giữa các quốc gia.

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước