* Nhà ở xã hội trễ hẹn 2 năm chưa được bàn giao
Cứ mỗi 5 năm, TP.HCM đón thêm khoảng 1 triệu dân và hiện đã đạt 13 triệu người, kéo theo nhu cầu về nhà ở, đặc biệt là nhà ở xã hội khi phần lớn dân số là người có thu nhập thấp. Theo số liệu từ Bộ Xây dựng, từ nay đến năm 2020, TP.HCM cần khoảng 134.000 căn nhà ở xã hội.
Cách đây 4 năm, TP.HCM đã lần đầu tiên thí điểm mô hình hợp tác này ở dự án nhà ở xã hội 35 Hồ Học Lãm, quận Bình Tân, giữa Quỹ Phát triển nhà ở thành phố (HOF) đóng vai trò là chủ đầu tư và Công ty Cổ phần Tư vấn - Thương mại - Dịch vụ Địa ốc Hoàng Quân là đơn vị phát triển dự án.
Mô hình này kỳ vọng sẽ mang đến giải pháp tốt hơn cho việc phát triển nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, tuy nhiên, đến nay đã bộc lộ nhiều bất cập. Hàng trăm khách hàng mua nhà ở xã hội tại dự án đáng lẽ ra phải được nhận nhà cách đây 2 năm theo cam kết của chủ đầu tư nhưng đến giờ vẫn chưa được nhận.
Trước hàng loạt hàng loạt văn bản khiếu nại của cư dân về chậm tiến độ dự án này, UBND TP.HCM đã có quyết định xử phạt gần 300 triệu đồng đối với quỹ phát triển nhà ở TP.HCM với vai trò chủ đầu tư dự án. Quỹ Phát triển nhà ở với vai trò chủ đầu tư dự án, Công ty Hoàng Quân là đơn vị phát triển dự án.
Toàn bộ nguồn lực để xây dựng dự án này đều phụ thuộc hoàn toàn vào công ty Hoàng Quân và khi đơn vị này khó khăn về tài chính đã dẫn đến chậm tiến độ. Thế nhưng, với mô hình hợp tác công tư, người chịu phạt lại không phải là Công ty Hoàng Quân mà lại là Quỹ phát triển nhà ở. Chính việc quy trách nhiệm, nghĩa vụ giữa Quỹ phát triển nhà và công ty Hoàng Quân không rõ ràng mới dẫn đến hệ lụy như vậy. Theo Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, đây là nút thắt cần sớm được giải quyết.
* Thiếu cơ chế vận hành mô hình hợp tác công tư nhà ở xã hội
Mang danh là chủ đầu tư những bị phụ thuộc hoàn toàn vào đơn vị phát triển dự án về nguồn lực tổ chức thi công bao gồm cả nguồn lực tài chính và năng lực tổ chức đầu tư xây dựng của công ty phát triển dự án nên phương thức này thiếu cơ chế vận hành để đảm bảo trách nhiệm, nghĩa vụ, quyền của các bên.
Cũng theo đại diện Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, kết quả hiện nay cũng đến từ việc chỉ định nhà đầu tư. Nếu như chính quyền TP.HCM lúc trước tổ chức đấu thầu dự án này, có lẽ sẽ chọn được nhà đầu tư uy tín, đủ năng lực hơn để triển khai thành công.
Theo đại diện Bộ Xây dựng, mô hình hợp tác công tư này chưa được quy định trong Luật Xây dựng hay Luật Nhà ở, đây chỉ mới là mô hình thí điểm của TP.HCM. Tuy nhiên, qua vụ việc này, có thể thấy cần thiết phải xây dựng một quy trình tốt hơn cho phát triển nhà ở xã hội, trong bối cảnh, hợp tác công tư đang được cho là giải pháp hữu hiệu để các địa phương giải quyết bài toán nhà ở mà ngân sách lại đang eo hẹp.
* Cần lập quy trình riêng cho xây dựng nhà ở xã hội
Theo các chuyên gia, để có giải pháp tổng thể cho việc phát triển nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp tại TP.HCM cần có 3 yếu tố cơ bản: Quy hoạch, Quỹ đất và Đầu tư tư nhân. Các yếu tố này sẽ tạo nên một quy trình để có thể dễ dàng phát triển loại hình nhà ở này hơn. Đó là chính quyền TP.HCM phải có quy hoạch tổng thể, khu vực nào sẽ phát triển loại hình nhà ở này và sau đó tạo lập quỹ đất và kêu gọi giới đầu tư tư nhân vào đầu tư tại đây.
Và theo các chuyên gia, điều quan trọng nhất của quy trình này là chính quyền TP.HCM phải tìm ra mô hình cơ quan nhà nước nào đứng ra giám sát và thực hiện.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!