Theo Tổng cục Thống kê, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 10 tháng năm nay giảm 8,6% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, nếu nhìn vào con số của riêng tháng 10, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đã tăng hơn 18% so với tháng trước.
Các chuyên gia dự báo, sức mua tăng từ nay tới cuối năm sẽ bù đắp cho quý 3 vừa qua, đưa tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ cả năm 2021 tăng khoảng 3 - 4% so với năm trước.
Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia trên thế giới, thị trường nội địa với quy mô gần 100 triệu dân được xem là "mảnh đất" tiềm năng để các doanh nghiệp khai thác.
Số do Nielsen công bố cho thấy, số người tiêu dùng mới bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 đã tăng gấp đôi lên 46%; 81% sẽ tiếp tục cơ cấu lại chi tiêu trong năm 2021. Từ sự ảnh hưởng này, khả năng chi tiêu đã có sự phân hóa.
Kích cầu tiêu dùng nội địa không chỉ là bài toán dành cho các doanh nghiệp, mà còn cần sự vào cuộc của các cơ quan liên quan. (Ảnh minh họa - Ảnh: NLĐ)
"35% người tiêu dùng đủ chi tiêu tối thiểu. Đối tượng thứ 2 là đối tượng mới bị ảnh hưởng, họ thu hẹp chi tiêu trong tất cả các lĩnh vực. Nhóm thứ 3 là hầu như không bị ảnh hưởng nhưng họ bắt đầu rất cẩn trọng. Nhóm thứ 4 là nhóm không bị ảnh hưởng, nhóm này đâu đó có thể tự thưởng cho bản thân", Giám đốc miền Bắc Nielsen Việt Nam Đặng Thúy Hà cho biết.
Có thể thấy, đại dịch COVID-19 đã chia nhỏ các phân khúc người tiêu dùng. Từ đây, trả lời cho câu hỏi "Làm gì để nâng sức mua của người dân lên?", đại diện Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam cho rằng, các doanh nghiệp cần cung cấp những loại hàng hóa thích hợp với từng thị trường, từng phân khúc của người tiêu dùng.
"Làm sao để có sản phẩm vẫn đảm bảo chất lượng, vẫn đảm bảo yêu cầu nhưng giá cả phải thật thích hợp, thậm chí cần phải thấp hơn nhiều so với giá cả hàng hóa bình thường", Chủ tịch danh dự Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam Đinh Thị Mỹ Loan cho hay.
Kích cầu tiêu dùng nội địa không chỉ là bài toán dành cho các doanh nghiệp, mà còn cần sự vào cuộc của các cơ quan liên quan. Bởi theo các chuyên gia, tiêu thụ nội địa là một trong ba chân kiềng của nền kinh tế giúp tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP), cùng với đầu tư và xuất khẩu. Trong bối cảnh tổng cầu suy giảm, Bộ Công Thương cho biết sẽ triển khai nhiều giải pháp trong thời gian tới.
"Sắp tới sẽ triển khai nhiều giải pháp tăng tổng cầu, cùng với doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp bán lẻ cùng với chương trình khuyến mại quốc gia, chúng tôi sẽ có những chương trình thúc đẩy tiêu dùng bằng các chương trình khuyến mãi quốc gia tập trung hoặc đề nghị các địa phương thực hiện tại địa phương của mình", Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) Trần Duy Đông chia sẻ.
Bên cạnh đó, một số chuyên gia đề xuất, để tăng tổng cầu cho nền kinh tế, có thể xem xét việc giảm một số loại thuế, phí cho doanh nghiệp để kéo giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm, giảm giá bán, khuyến khích sức mua.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!