9 tháng năm 2021, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng giảm 7,1% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, bất chấp bối cảnh dịch bệnh và sức mua giảm, dự báo Việt Nam vẫn là cái tên hấp dẫn đối với nhiều thương hiệu ngoại. Đặc biệt, thị trường cũng khó bỏ qua cơ hội "giải nén" trong thời điểm cuối năm.
Bất chấp tác động tiêu cực của dịch bệnh, giai đoạn 2 - dự án trị giá 250 triệu USD của tập đoàn Hayat vẫn được triển khai. Mục tiêu dự án đưa nhà máy tại Việt Nam thành "trung tâm sản xuất" ở ASEAN. Các sản phẩm tã giấy "made in Việt Nam" không chỉ phân phối nội địa mà còn nhắm đến các nước trong khu vực như: Thái Lan, Malaysia hay Indonesia…
Ông Cetin Murat - Tổng Giám đốc Hayat Việt Nam cho hay: "Tác động của dịch COVID-19 cùng thách thức trong duy trì sản xuất là rõ ràng nhưng kế hoạch của chúng tôi chưa hề gián đoạn. Điều này, xuất phát từ mục tiêu đặc biệt và tầm nhìn ban đầu tại thị trường Việt Nam: Đầu tư các nhà máy công nghệ cao và quy mô về quy trình marketing là ví dụ rõ ràng cho niềm tin của chúng tôi vào triển vọng của nền kinh tế tại đây".
"Trong bối cảnh chúng ta đang dần hồi phục và ổn định lại các hoạt động sản xuất sau đại dịch COVID-19, Việt Nam cần phải tập trung vào việc tạo ra môi trường tốt nhất cho các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài. Nhờ vào Hiệp định thương mại tự do châu Âu - Việt Nam, người tiêu dùng trong nước có thể tiếp cận những sản phẩm hàng đầu, trong khi doanh nghiệp có cơ hội tăng trưởng mạnh mẽ nhờ tiếp cận được thị trường lớn này", ông Thue Quist Thomasen - Thành viên Hội Đồng EuroCharm nói.
Thị trường tiêu dùng Việt Nam vẫn hấp dẫn nhà đầu tư ngoại. Ảnh minh họa - Nguồn: TTXVN.
Sức hấp dẫn của thị trường tiêu dùng Việt Nam, được thể hiện qua sự quan tâm của hàng loạt tên tuổi quốc tế mới. Báo cáo của Savills Việt Nam cho biết, Marc Jacob, Tiffany & Co, Sociollla đã vào thị trường từ năm ngoái, dự báo làn sóng này sẽ tiếp tục trong năm sau với các thương hiệu như Sephora và Arabica….
Bà Võ Thị Khánh Trang - Trưởng phòng Tư vấn Nghiên cứu, Savills TP Hồ Chí Minh cho biết: "Một số nhãn hàng quốc tế vẫn giữ kế hoạch của họ để tiến vào Việt Nam, cũng như cửa hiệu của họ vẫn giữ. Điều đó cho thấy tiềm năng của ngành bán lẻ cũng như sự lạc quan của người tiêu dùng. Đó là lí do vì sao công suất của các chuỗi bán lẻ hiện đại vẫn ở mức cao 94% trong quý III/2021".
Các phân tích cũng cho thấy, tuy chịu tác động mạnh trong quý III do giãn cách xã hội nhưng thị trường bán lẻ sẽ được "giải nén" vào quý IV, nếu tình hình dịch bệnh được kiểm soát, kéo theo nhu cầu mua sắm cuối năm tăng cao.
Dự báo, năm 2021, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng khoảng 3% - 4% so với năm ngoái. Do đó, đây vẫn là thị trường có sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư, đặc biệt là những tập đoàn có tiềm lực.
Làm gì để giữ chân nhà đầu tư ngoại? VTV.vn - Tác động của dịch COVID-19 đã ảnh hưởng không nhỏ đến chỉ số môi trường kinh doanh của các doanh nghiệp châu Âu, theo báo cáo mới đây của Eurocham.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!