Điều này có được là nhờ dịch COVID-19 bước đầu được kiểm soát ở một số địa phương, nhiều hoạt động sản xuất kinh doanh và dịch vụ được phép mở trở lại. Đây là tín hiệu đáng mừng cho tăng trưởng những tháng cuối năm.
Các trung tâm thương mại tại Hà Nội đã mở cửa đón khách. Hầu hết các cửa hàng đều trưng bảng giảm giá, thu hút lượng khách ít ỏi vào đây.
Anh Nguyễn Ngọc Lợi, quản lý cửa hàng thời trang, Trung tâm thương mại Tràng Tiền Plaza, cho biết: "Đa phần các cửa hàng nhãn hiệu đều giảm giá từ 30-40%. Nhu cầu khách mới đúng là không có nhưng khách cũ lại mua rất tốt vì có chương trình sale".
Dù sức mua còn dè dặt, việc được mở cửa trở lại cũng là một tín hiệu tốt cho mùa mua sắm cuối năm. Bộ Công Thương nhận định, nhu cầu những tháng cuối năm tăng cao sẽ giúp thúc đẩy sức mua của thị trường nội địa, tạo ra động lực tăng trưởng cho quý IV.
Để hiện thực hoá điều này, nhiều kế hoạch kích cầu đã được lên sẵn. Ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương, nói: "Chúng tôi thực hiện chương trình khuyến mại quốc gia tập trung, phối hợp với địa phương làm các chương trình ở địa phương kích cầu tiêu dùng. nâng tổng cầu, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế".
Đồng hành với cơ quan quản lý, các doanh nghiệp bán lẻ đều cam kết bình ổn giá cả các mặt hàng thiết yếu, tăng khuyến mại, kích thích sức mua. Bên cạnh đó, họ cũng đẩy mạnh các kênh trực tuyến khi hành vi của người tiêu dùng đã thay đổi. Theo Nielsen, hiện có tới 66% người tiêu dùng mua ở cả hai kênh offline và online.
Với nhiều chương trình được đưa ra, Bộ Công Thương dự kiến, năm nay, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng sẽ tăng khoảng 3-4% so với năm ngoái. Những tháng tới, Bộ sẽ tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, tận dụng thời điểm nhu cầu tăng cao trong dịp cuối năm để bù đắp cho những tháng vừa qua.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!