Kiến nghị cho doanh nghiệp điều chỉnh giá xăng dầu khi vượt ngưỡng

Nguyễn Hương-Thứ sáu, ngày 07/10/2022 10:03 GMT+7

VTV.vn - UBND TP Hồ Chí Minh kiến nghị Bộ Công Thương xem xét tính toán lại cơ cấu tính giá xăng dầu theo cơ sở hiện hành, cho phép DN điều chỉnh khi giá biến động vượt ngưỡng.

Xăng dầu cũng là câu chuyện nóng tại thị trường trong nước thời gian gần đây. Thời điểm này, giá xăng dầu đang thấp nhất kể từ đầu năm tới nay đã khiến doanh nghiệp và người dân vui mừng. Tuy nhiên, nghịch lý là các doanh nghiệp bán lẻ mặt hàng này lại như đang "ngồi trên đống lửa" khi càng bán càng lỗ. Nguyên nhân được cho là bởi mức chiết khấu rất thấp, thậm chí có lúc còn 0 đồng.

Tại TP Hồ Chí Minh và một số địa phương đã xuất hiện tình trạng khan hiếm nguồn cung cục bộ, nhiều đại lý đã tạm ngừng hoạt động.

Tạm ngưng, đóng cửa, treo biển hết hàng, bán cầm chừng… là tình trạng của hàng loạt cây xăng tại nhiều địa phương những ngày qua. Nguồn cung khan hiếm, chiết khấu hoa hồng thấp cùng các chi phí mặt bằng, nhân công, vận chuyển… không được tính vào giá bán khiến doanh nghiệp càng thêm thua lỗ.

"Đầu vào bọn tôi mua rất khó, nhiều đầu mối hụt hàng. Chiết khấu thấp, âm luôn theo giá bán lẻ, âm từ 400 đồng, 300 đồng tùy theo thị trường", ông Phạm Văn Rư, Tổng Giám đốc Công ty xăng dầu Dư Hoài, Sóc Trăng, cho biết.

Kiến nghị cho doanh nghiệp điều chỉnh giá xăng dầu khi vượt ngưỡng - Ảnh 1.

Do chiết khấu về 0 đồng, chi phí kinh doanh tăng, nhiều doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu sẽ có thể chỉ "cầm cự" trong khoảng 1 - 2 tháng. (Ảnh minh họa - Ảnh: Báo Đầu tư)

Theo các doanh nghiệp đầu mối lớn, một số chi phí, phụ phí nhập khẩu xăng dầu hiện đã tăng từ 2 - 3 lần, song cách tính chi phí xăng dầu không thay đổi. Petrolimex Sài Gòn có thời điểm chỉ được hưởng 280 đồng/lít, nhưng phải chi cho bên nhượng quyền 350 đồng/lít nhằm khích lệ, chia sẻ khó khăn. Doanh nghiệp này cũng đang chịu lỗ hơn 20 tỷ đồng từ đầu năm tới nay.

"Tôi đề nghị nhà nước cần có chế tài cho các đầu mối có hoa hồng tối thiểu để các mạng lưới tồn tại, phát triển chứ hoa hồng bằng 0 thì người ta không chịu nổi", ông Võ Văn Tân, Chủ tịch Công ty Xăng dầu Khu vực II - TNHH MTV, nêu đề xuất.

Qua nắm bắt tình hình, UBND TP Hồ Chí Minh cũng vừa kiến nghị với Bộ Công Thương, xem xét tính toán lại cơ cấu tính giá xăng dầu theo cơ sở hiện hành; có giải pháp điều hành giá theo đúng chu kỳ; đặc biệt, kiến nghị nghiên cứu tỷ lệ và cho phép doanh nghiệp được điều chỉnh linh động, đột xuất khi giá biến động vượt ngưỡng.

"Xem xét để ghi nhận chi phí của doanh nghiệp trong cơ cấu giá để đảm bảo hài hòa cho hoạt động của doanh nghiệp. Đủ để doanh nghiệp luôn hoạt động bình thường, đảm bảo giá cho người dân khi tiêu thụ sản phẩm", bà Nguyễn Thị Kim Ngọc, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh, nói.

"Như các Nghị định 84, 55 hay Quyết định 187 trước đây đều có 1 khoản cho doanh nghiệp tự quyết định, phù hợp với thị trường. Chúng ta nên vận hành theo cách thức đó, Nhà nước chỉ quản lý giá trần", ông Bùi Ngọc Bảo, Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam, nêu quan điểm.

Theo tính toán của Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam, với mức chi phí vận chuyển và phụ phí bị tăng lên như hiện nay, chi phí của doanh nghiệp xăng dầu bị tính thiếu khoảng 400 đồng/lít xăng và 100 đồng/lít dầu. Do chiết khấu về 0 đồng, chi phí kinh doanh tăng, nhiều doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu sẽ có thể chỉ "cầm cự" trong khoảng 1 - 2 tháng.

Sẽ xem xét điều chỉnh chi phí kinh doanh xăng dầu

Trước phản ánh của doanh nghiệp về mức chiết khấu thấp, thậm chí về 0 đồng và các chi phí kinh doanh chưa được phản ánh đủ trong giá cơ sở, Liên Bộ Công Thương - Tài chính cho biết sẽ rà soát, tính toán để điều chỉnh chi phí kinh doanh trong cơ cấu giá cơ sở xăng dầu, đảm bảo nguồn cung xăng dầu và quyền lợi doanh nghiệp.

Đồng thời Liên Bộ Công Thương - Tài chính yêu cầu Vụ Thị trường trong nước chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, cơ quan liên quan, bám sát diễn biến giá xăng dầu thế giới, chủ động điều hành giá xăng dầu theo đúng thẩm quyền, quy định của pháp luật, bảo đảm ổn định thị trường, giá cả, nguồn cung xăng dầu trong mọi tình huống; sử dụng linh hoạt, hiệu quả Quỹ Bình ổn giá xăng dầu, bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, người dân và doanh nghiệp.

Vụ Thị trường trong nước cần theo dõi sát diễn biến cung cầu, tình hình thị trường các mặt hàng thiết yếu, nhất là mặt hàng xăng, dầu; có giải pháp không để đứt gãy nguồn cung, đáp ứng nhu cầu sản xuất, tiêu dùng trong nước, nhất là thời điểm trước và sau Tết Nguyên đán.

Hàng loạt cửa hàng xăng dầu đóng cửa: Bộ Công Thương nói gì? Hàng loạt cửa hàng xăng dầu đóng cửa: Bộ Công Thương nói gì?

VTV.vn - Bộ Công Thương khẳng định có tình trạng một số cửa hàng xăng dầu đóng cửa, ngưng bán hàng và cho biết các cơ quan quản lý nhà nước đã có phương án điều hành giá xăng dầu.


* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước