Kinh tế Nhật Bản năm 2014 sẽ ra sao?

Đức Cường-Thứ sáu, ngày 31/01/2014 22:45 GMT+7

Chính phủ Nhật Bản đang nỗ lực thực hiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, với kỳ vọng nền kinh tế Nhật Bản sẽ không gặp cú sốc và tiếp tục duy trì đà tăng trưởng ấn tượng của năm 2013.

Người dân Nhật Bản bước vào năm mới 2014 với nhiều kỳ vọng vào nền kinh tế của đất nước. Trong năm 2013, những chính sách kích cầu của thủ tướng Shinzo Abe, thường được gọi là Abenomics, đã thúc đẩy kinh tế Nhật Bản tăng trưởng gần 2%. Trong năm 2014 này, các chính sách Abenomics tiếp tục là tâm điểm của nền kinh tế Nhật Bản.

Vào ngày 1/4 tới, nền kinh tế Nhật Bản sẽ đối mặt với thử thách lớn, khi chính phủ tăng thuế tiêu thụ từ 5% lên 8%. Nhiều người dân Nhật Bản đã tỏ ra lo lắng trước đợt tăng thuế này.

Ông Yoshida Akira cho biết: “Những người cao tuổi như tôi sống chủ yếu bằng tiền lương hưu. Thuế tăng thì chúng tôi sẽ phải chi tiêu ít đi. Tôi cũng lo lắng lắm”.

‘ Ảnh minh họa


Nền kinh tế Nhật Bản đã tăng trưởng mạnh mẽ trong năm 2013 với động lực chủ yếu là thị trường tiêu dùng nội địa. Chính quyền thủ tướng Shinzo Abe đã bơm hàng trăm tỷ USD ra thị trường tiền tệ nhằm tạo lạm phát nhẹ, thúc đẩy người dân chi tiêu. Theo giáo sư Yoshino, khoa Kinh tế Trường đại học Keio, trong năm 2014 này chính quyền thủ tướng Shinzo Abe sẽ duy trì chính sách tài chính chủ động và áp dụng nhiều biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, hạn chế những tác động tiêu cực từ việc tăng thuế tiêu thụ.

Giáo sư Yoshino Naoyuki phân tích:“Trước thời điểm tăng thuế tiêu thụ, người ta có xu hướng đổ xô đi mua sắm các mặt hàng sử dụng lâu dài như ô tô, nhà cửa và điều này đang thúc đẩy nền tiêu dùng của Nhật Bản. Nhưng sau tháng 4, khi chính sách tăng thuế có hiệu lực, nhiều khả năng sức mua sẽ giảm mạnh. Để bù đắp sự sụt giảm này, thủ tướng Shinzo Abe đang muốn đẩy mạnh chi tiêu chính phủ, từ đó duy trì đà tăng trưởng kinh tế."

Song song với các giải pháp về tài chính và tiền tệ, Chính phủ Nhật Bản sẽ thực hiện cải cách cấu trúc kinh tế, tập trung vào hỗ trợ người cao tuổi và phụ nữ tìm việc làm. Đây được xem là các cải cách mang tính sống còn với nền kinh tế Nhật Bản trong dài hạn. Tuy nhiên, cho đến nay Nhật Bản vẫn chưa đạt được bước tiến đáng kể trong lĩnh vực này.

Theo Giáo sư Yoshino Naoyuki, vấn đề cốt lõi nhất của Nhật Bản hiện nay vẫn là tình trạng lão hóa dân số, chi phí phúc lợi xã hội cao và sự dịch chuyển cơ cấu hành chính từ trung ương về địa phương. Vì thế, Chính phủ cần gia tăng tỷ lệ làm việc của người cao tuổi, giảm chi phí phúc lợi. Nếu các việc này không được thực hiện, kinh tế Nhật Bản sẽ không thể duy trì tăng trưởng trong dài hạn.

Ngân hàng thế giới WB dự báo kinh tế Nhật Bản sẽ tăng trưởng 1,4% trong năm 2014, giảm đáng kể so với năm 2013. Tiến bộ trong cải cách cấu trúc và chi tiêu Chính phủ được xem là chìa khóa cho tăng trưởng kinh tế Nhật Bản trong năm nay.

Năm 2014 được xem là năm đầy thử thách với nền kinh tế Nhật Bản, khi Chính phủ Nhật Bản nâng thuế tiêu thụ từ 5% như hiện nay lên 8% vào tháng 4. Chính phủ Nhật Bản đang nỗ lực thực hiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, với kỳ vọng nền kinh tế Nhật Bản sẽ không gặp cú sốc và tiếp tục duy trì đà tăng trưởng ấn tượng của năm 2013.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước