Đã hơn một tuần kể từ khi nới lỏng giãn cách xã hội. Tuy nhiên, việc lượng khách du lịch sụt giảm, đặc biệt là vắng bóng khách nước ngoài, và nhiều địa điểm tham quan vẫn chưa mở cửa trở lại đã làm tê liệt tới hoạt động của các cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú. Chi phí đầu tư, vận hành lớn, nhưng gần như không có doanh thu do ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19, nhiều chủ khách sạn hết khả năng cầm cự, đã bắt đầu phải rao bán khách sạn của mình.
Theo các chuyên gia, xu hướng chuyển nhượng diễn ra ở phân khúc khách sạn bình dân với quy mô nhỏ, kinh doanh theo hình thức hộ gia đình, do vậy linh động hơn trong việc đưa ra quyết định.
Bên cạnh các nhà đầu tư kinh doanh trong các thành phố lớn hoặc ven biển, một đối tượng khác cũng đang chịu áp lực lớn là nhà đầu tư sử dụng "đòn bẩy" tài chính, phải bán tài sản bằng mọi giá nếu tình trạng này kéo dài khoảng 3 - 5 tháng do gánh nặng trả lãi cũng như nợ gốc đối với ngân hàng.
Từ khi dịch COVID-19 bùng phát, Ngân hàng Nhà nước đã triển khai thông tư số 01/2020 về việc hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, đồng thời, doanh nghiệp kinh doanh bất động sản cũng nằm trong nhóm đối tượng được gia hạn về thời gian nộp thuế và tiền thuê đất theo Nghị định 41 của Chính phủ. Đây được kỳ vọng là hai chính sách sẽ hỗ trợ giải quyết khó khăn trước mắt cho các đơn vị kinh doanh dịch vụ lưu trú trong bối cảnh lượng khách du lịch tiếp tục giảm sâu do tạm dừng cấp thị thực visa cho người nước ngoài đến làm việc và du lịch.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!