Lao động thất nghiệp: Dự báo ở kịch bản xấu nhất

VTV Digital-Thứ bảy, ngày 05/09/2020 06:00 GMT+7

VTV.vn - Khảo sát của Cục Thống kê TP.HCM, dự kiến 6 tháng cuối năm sẽ có 180.000 lao động của 5.000 doanh nghiệp bị ngừng việc.

Do ảnh hưởng của đợt dịch COVID-19 lần thứ 1, trong quý 2 vừa qua, cả nước đã có khoảng 1,3 triệu người thất nghiệp, cao nhất trong vòng 10 năm qua. Riêng tại TPHCM, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội TP.HCM lúc bấy giờ đã đưa ra 2 kịch bản số lượng lao động thất nghiệp để ứng phó. Và đợt dịch lần 2 xuất hiện, kịch bản xấu nhất với dự báo lên tới 180.000 lao động bị thất nghiệp được dự báo sẽ xảy ra.

Theo đại diện Sở Lao động – Thương binh và Xã hội TP.HCM, con số này nằm trong "kịch bản xấu nhất" về tình hình lao động của Thành phố trước sự ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Lao động thất nghiệp: Dự báo ở kịch bản xấu nhất - Ảnh 1.

Khảo sát của Cục Thống kê TP.HCM, dự kiến 6 tháng cuối năm sẽ có 180.000 lao động của 5.000 doanh nghiệp bị ngừng việc (Ảnh minh họa - Ảnh: TTXVN)

Các doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nhất là doanh nghiệp dịch vụ, lưu trú, vận tải, du lịch; tiếp đến là da giày, dệt may, sản xuất trang phục, chế biến lương thực, chế biến gỗ... Ngày càng nhiều lao động trong các ngành nghề này bị ảnh hưởng và họ đang phải tìm mọi cách để sinh tồn trong khi chờ các hỗ trợ về an sinh xã hội.

Đã hai tháng nay, chị Trương Thị Bích Tuyền và chị Lê Thị Thúy thuê trọ ở phường Trường Thọ, quận Thủ Đức đành gấp lại chiếc áo công nhân để kiếm việc mới... đi nhặt rác thuê. Mỗi ngày nhận được vài chục ngàn đồng nhưng cũng không dễ xin việc được lúc này.

"Tôi cũng có hỏi một hai nơi nhưng người ta cũng trong tình trạng giảm biên chế nên người ta không nhân", chị Trương Thị Bích Tuyền, công nhân khu chế xuất Linh Trung cho biết.

"Thì cũng cứ tính làm vậy đó, chừng nào qua dịch đi rồi tính tiếp. Giờ dịch nó cứ như vậy hoài, xin chỗ nào cũng không được hết trơn, thì vậy chứ biết sao bây giờ", chị Lê Thị Thúy, công nhân khu chế xuất Linh Trung cho biết.

Có thể thấy, hàng trăm ngàn lao động đang lâm vào tình trạng khó khăn. Điều mà họ chỉ có thể mong chờ lúc này là sự hỗ trợ của Chính phủ đến được với mình, và xa hơn là tình hình dịch bệnh thế giới được kiểm soát tốt hơn, doanh nghiệp có đơn hàng, và họ lại có được việc làm…

Ngay tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8 diễn ra ngay sáng qua (4/9), một lần nữa Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đề nghị tập trung thảo luận về các chính sách hỗ trợ sản xuất kinh doanh, trong đó quan trọng là chính sách hỗ trợ người lao động.

"Các cơ quan ban ngành liên quan phải đề xuất cụ thể về chính sách tiếp tục hỗ trợ người lao động mất việc làm, giảm sâu về thu nhập. Đây là việc xã hội rất mong!", Thủ tướng nhấn mạnh.

Lao động thất nghiệp: Dự báo ở kịch bản xấu nhất - Ảnh 2.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đề nghị tập trung thảo luận về các chính sách hỗ trợ sản xuất kinh doanh, trong đó quan trọng là chính sách hỗ trợ người lao động.

Và đứng trước dự báo kịch bản lao động thất nghiệp xấu nhất có thể xảy ra, hiện TP.HCM cũng đang đề xuất nhiều giải pháp để hỗ trợ người lao động.

Cụ thể, TP.HCM đề xuất doanh nghiệp nhận gói hỗ trợ không cần chứng minh tài chính mà chỉ cần báo cáo giảm doanh thu 20 - 30% trong quý 1 năm nay so với quý 4 năm 2019. Ngoài ra, người lao động chỉ cần đóng bảo hiểm xã hội đến ngày 23/3 là đủ điều kiện nhận hỗ trợ, không phải buộc đóng đến ngày 31/3.

Những kiến nghị này giúp doanh nghiệp, người lao động dễ dàng tiếp cận với gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng của Chính phủ, giúp họ duy trì cuộc sống trong thời dịch.

"Sở cũng có nhiều phương án mà phương án tối ưu nhất là tổ chức cho người lao động học nghề để chuyển đổi nghề nghiệp. Thứ hai nữa là tổ chức nhiều sàn giao dịch việc làm để người ta tìm kiếm việc làm mới... Có chính sách hỗ trợ thêm cho người lao động ngừng việc, hoãn việc trong thời gian chờ nhận việc", ông Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở Lao động Thương binh và xã hội TP.HCM cho biết.

Mới đây, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đã giao Sở Kế hoạch - Đầu tư và Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tham mưu, đề xuất gói hỗ thứ 2 cho các doanh nghiệp đang gặp khó khăn. Chính sách hỗ trợ đợt này sẽ tập trung cho các ngành nghề bị tác động nặng nề như: du lịch lữ hành, nhà hàng, khách sạn, vận tải và dịch vụ liên quan du lịch...

Lao động thất nghiệp: Dự báo ở kịch bản xấu nhất - Ảnh 3.

Cục Việc làm của Bộ Lao động Thương binh Xã hội dự báo số lao động bị ngừng việc, giãn việc, giảm việc dự báo có thể lên tới 3,5-5 triệu người cả nước trong năm nay.

Trước thực trạng hiện nay, Cục Việc làm của Bộ Lao động Thương binh Xã hội cũng đã tính đến kịch bản xấu nhất là thời gian tới, số lao động mất việc có thể tăng khoảng 60.000 đến 70.000 mỗi tháng, tập trung chính ở các lĩnh vực như du lịch, hoạt động dịch vụ lưu trú và ăn uống, xây dựng, vận tải, chế biến chế tạo... Và trong năm nay 2020, số lao động bị ngừng việc, giãn việc, giảm việc dự báo có thể lên tới 3,5 - 5 triệu người cả nước.

Có thể thấy, việc tính toán lại các điều kiện nhận hỗ trợ, hay thậm chí phải đưa ra các chính sách hỗ trợ mới cho người lao động là thực sự cấp thiết ngay lúc này.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước