"Mỏ vàng" 6.000 tỷ đồng của thị trường nước mắm

Thuý Lan - Quỳnh Anh-Thứ năm, ngày 29/10/2020 15:19 GMT+7

VTV.vn - Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, tổng giá trị ngành hàng nước mắm của Việt Nam hiện đạt khoảng 6.000 tỷ đồng/năm; tăng trưởng trong 10 năm qua đạt 13,15%/năm.

Trên toàn quốc có 783 cơ sở sản xuất nước mắm và gần 1.500 hộ gia đình có tham gia chế biến nước mắm với tổng công suất chế biến đạt khoảng 250 triệu lít/năm. Theo các chuyên gia, thị trường nước mắm còn nhiều tiềm năng phát triển, không chỉ dừng lại thị trường nội địa mà còn cần đẩy mạnh sang thị trường thế giới

Trong đó, có khoảng 270 cơ sở có quy mô công suất từ 100.000 lít/năm trở lên, tập trung chủ yếu ở một số tỉnh trọng điểm như Quảng Ninh, Hải Phòng, Nam Định, Thái Bình, Nghệ An, Thanh Hóa, Đà Nẵng, Bình Định, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, TP.HCM, Long An, Vĩnh Long, Tiền Giang, Kiên Giang,...

Tại các tỉnh cũng đã hình thành một số thương hiệu nước mắm nổi tiếng và các sản phẩm nước mắm rất phong phú như nước mắm Vạn Vân (Cát Hải), nước mắm Vạn Phần (Nghệ An), nước mắm Nam ô (Đà Nẵng), nước mắm Phan Thiết (Bình Thuận), nước mắm Liên Thành (TP.HCM), đặc biệt là nước mắm Phú Quốc (Kiên Giang) đang rất nổi tiếng ở trong nước và thế giới.

Phần lớn sản lượng nước mắm được sản xuất ra chủ yếu vẫn là phục vụ thị trường trong nước.

Mỏ vàng 6.000 tỷ đồng của thị trường nước mắm  - Ảnh 1.

Trên toàn quốc có 783 cơ sở sản xuất nước mắm và gần 1.500 hộ gia đình có tham gia chế biến nước mắm với tổng công suất chế biến đạt khoảng 250 triệu lít/năm.

Những năm gần đây, bắt đầu xuất hiện các chuỗi sản xuất nước mắm. Năm 2019 đã xây dựng và hình thành được 43 mô hình chuỗi sản xuất tiêu thụ nước mắm an toàn, chiếm 28,1% tổng số chuỗi cung cấp thực phẩm nông lâm thủy sản an toàn trên phạm vi cả nước.

Nhà thùng nước mắm Vạn Nguyên, Phú Quốc trước gặp khó về đầu vào cá tươi, nên chất lượng mắm đi ra không ổn định. Nhưng từ khi liên kết với doanh nghiệp, không phải lo đầu vào là muối và cá, hoạt động ổn định hơn, hơn nữa nước mắm cũng được doanh nghiệp thu mua luôn.

"Chúng tôi thay đổi được chất lượng đầu vào, cá tươi, đầu ra tôi cũng không phải lo, dù thị trường có biến động nhưng tôi yên tâm vì doanh nghiệp thu mua mắm cho tôi, yên tâm gắn bó với doanh nghiệp", một chủ nhà thùng nước mắm Vạn Nguyên cho biết.

"Trong 10 năm trở lại đây, đã có một số doanh nghiệp lớn đầu tư cho sản xuất nước mắm với sự đa dạng về mẫu mã, chủng loại sản phẩm, phù hợp hơn với nhiều đối tượng người tiêu dùng, kích cầu tiêu dùng nước mắm. Đây là điều kiện thuận lợi để nâng cấp, hiện đại hóa ngành nghề sản xuất nước mắm ở Việt Nam", ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn nhấn mạnh.

Số lượng cơ sở chế biến nước mắm tham gia xuất khẩu là 35 cơ sở (tập trung chủ yếu cở các tỉnh Bắc Trung Bộ và Duyên hải Miền Trung, Đông Nam Bộ và ĐBSCL), chiếm 4,5% tổng số cơ sở chế biến thủy sản đủ điều kiện xuất khẩu vào các thị trường. Hiện nay, nước mắm đã được xuất khẩu sang trên 20 thị trường (chủ yếu Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc,...).

Bà Diễm Huyền, đại diện doanh nghiệp nước mắm Thanh Tâm, Nha Trang, Khánh Hòa cho biết: "Chúng tôi nhiều đời nay làm nước mắm, từ đời mẹ thừa kế lại cho tôi. Hiện tôi muốn đầu tư thêm công nghệ, phát triển nước mắm hướng tới xuất khẩu, đảm bảo quy chuẩn, đồng đều chất lượng".

Mỏ vàng 6.000 tỷ đồng của thị trường nước mắm  - Ảnh 2.

Thị trường nước mắm còn nhiều tiềm năng phát triển, không chỉ dừng lại thị trường nội địa mà còn cần đẩy mạnh sang thị trường thế giới.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, để thực hiện tốt công tác quản lý chất lượng, ATTP đối với sản phẩm nước mắm, cần tiếp tục rà soát hoàn thiện và ban hành Tiêu chuẩn Việt Nam, Quy chuẩn Việt Nam về sản phẩm nước mắm, quy phạm thực hành sản xuất nước mắm theo hướng phù hợp với điều kiện, loại hình sản xuất, kinh doanh nước mắm hiện nay để quản lý tốt chất lượng, ATTP đối với loại hàng hóa đặc thù này; đáp ứng nhu cầu đa dạng của người tiêu dùng, đồng thời bảo tồn, duy trì nét văn hóa đối với ngành nghề sản xuất nước mắm.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn thống kê, có tới 97% cơ sở sản xuất nước mắm ở quy mô nhỏ, vừa thay đổi áp dụng công nghệ chưa mạnh. Vì thế, trong thời gian tới Nhà nước cần có chính sách ưu đãi đối với doanh nghiệp sản xuất nước mắm, đặc biệt là sản phẩm nước mắm có chỉ dẫn địa lý như quy hoạch quỹ đất để sản xuất; đầu tư phát triển sản phẩm và phát triển thương hiệu nước mắm Việt Nam; hỗ trợ vay vốn để đổi mới công nghệ, thiết bị sản xuất; phát triển bền vững nguồn nguyên liệu cá, xây dựng mối liên kết chặt chẽ giữa vùng sản xuất nguyên liệu nước mắm và các nhà máy sản xuất để bảo đảm phát triển bền vững sản phẩm truyền thống này.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước