Năm 2020, ngành ngân hàng đối mặt với những thách thức gì?

Trung tâm Tin tức VTV24-Thứ tư, ngày 15/01/2020 06:03 GMT+7

VTV.vn - Bước vào năm mới nhưng vẫn còn nhiều thách thức cũ, ngành ngân hàng sẽ tiếp tục giải các bài toán về lãi suất, nợ xấu và công nghệ thanh toán trong năm 2020 như thế nào?

Không nhiều áp lực tăng lãi suất huy động dịp đầu năm

Trong năm 2019, cuộc đua lãi suất huy động của các ngân hàng diễn ra khá quyết liệt. Biểu lãi suất cao nhất giữa ngân hàng cổ phần và ngân hàng quốc doanh có khi chênh tới 2-3%. Lãi suất tiền gửi bắt đầu leo thang từ các ngân hàng thương mại cổ phần nhỏ, tăng khoảng 0,2%/năm chủ yếu ở các kỳ hạn trên 6 tháng, sau lan dần sang các ngân hàng tầm trung và lớn hơn.

Đến tháng 7/2019, lãi suất tiền gửi của nhiều ngân hàng đã vượt quá 8%. Lãi suất tăng thêm từ 0,2-0,4% ở các kỳ hạn dài trên 1 năm. Cuộc đua trở nên nóng hơn khi một số ngân hàng tung ra nhiều hình thức khuyến mãi, tặng kèm để hút người gửi tiền, lãi suất cao nhất của chứng chỉ tiền gửi đã cán mốc 10%/năm.

Trước sức nóng này, ngân hàng Nhà nước đã "tuýt còi" cảnh báo, thậm chí, lần đầu tiên sau nhiều năm phải hạ lãi suất điều hành. Đến cuối tháng 11/2019, đã giảm đồng loạt trần lãi suất huy động và cho vay với các lĩnh vực ưu tiên. Vì thế, nhiều ý kiến cho rằng áp lực tăng lãi suất huy động trong những tháng đầu năm 2020 này sẽ không quá lớn.

Theo quy định mới, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn tối đa từ năm 2020 sẽ là 40%, thay vì hạ xuống 35% như thông tư cũ. Thời gian áp dụng mức này cũng được kéo dài thêm 3 tháng so với trước, đến 30/9/2020. Chính sự nới lỏng này đã giúp các ngân hàng giảm bớt sức ép phải tăng lãi suất huy động vốn.

Áp lực sẽ mạnh hơn về nửa cuối năm khi các ngân hàng vẫn phải đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn mới và hướng tới chuẩn Basel 2. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, ngân hàng Nhà nước có dư địa giảm thêm lãi suất điều hành, nhất là khi đã có hơn 100 ngân hàng trung ương trên thế giới hạ lãi suất hỗ trợ tăng trưởng. Mặc dù vậy, việc nới lỏng cần được cân nhắc vì sức ép lạm phát đang gia tăng dịp gần Tết.

Phấn đấu giảm tỷ lệ nợ xấu và nợ tiềm ẩn về dưới 3%

Ổn định mặt bằng lãi suất và duy trì mức tăng trưởng tín dụng phù hợp với tốc độ tăng trưởng kinh tế cũng là thông điệp được ngân hàng Nhà nước đưa ra trong hội nghị triển khai nhiệm vụ ngân hàng đầu năm. Một thách thức quan trọng khác mà các ngân hàng thương mại phải đối diện trong năm nay chính là nợ xấu. 2020 được coi là năm bản lề quan trọng kết thúc đề án "Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 - 2020".

Nếu như cách đây vài năm, các ngân hàng thi nhau bán nợ cho VAMC để làm sạch sổ sách thì nay, đã có 11 ngân hàng hoàn tất việc mua lại nợ xấu từ VAMC để chủ động xử lý. Theo báo cáo của ngân hàng Nhà nước, nợ xấu và tất cả các khoản nợ tiềm ẩn đang chiếm 4,59%, mặc dù đã giảm một nửa so với đầu nhiệm kỳ. Tuy nhiên, để đưa nợ xấu thực chất xuống dưới 3% trong năm nay theo lộ trình vẫn là bài toán không dễ với các ngân hàng thương mại.

Ngân hàng và áp lực cạnh tranh từ Fintech

Hoạt động ngân hàng rất sôi động với nhiều sản phẩm dịch vụ, đa dạng trong đó cuộc đua triển khai các ứng dụng số giữa các ngân hàng đang diễn ra quyết liệt. 94% ngân hàng cho biết đang triển khai hoặc xây dựng chiến lược chuyển đổi số.

Những ứng dụng từ các công ty Fintech đang có sự phát triển mạnh mẽ. Số lượng các công ty Fintech đã tăng gấp 3 lần, chỉ trong vòng 3 năm và đang cạnh tranh miếng bánh thị phần của các ngân hàng. Bắt tay với Fintech là lựa chọn tất yếu đối với nhiều ngân hàng. Thậm chí, không ngoại trừ khả năng ngân hàng có thể mua đứt hẳn một ví điện tử để xây dựng ngân hàng số.

Năm 2020 đang bắt đầu với nhiều thách thức nhưng ngành ngân hàng cũng đang cho thấy những sự trưởng thành nhất định, cả về quy mô tổng tài sản lẫn sự ổn định hơn về quản trị rủi ro, xử lý nợ xấu. 18 ngân hàng đạt chuẩn Basel 2 trước thời hạn, đã có ngân hàng đầu tiên cán mốc lợi nhuận xấp xỉ 1 tỷ USD, mở ra triển vọng Việt Nam sẽ có ngân hàng ngang tầm khu vực như mục tiêu đề ra trong năm nay.

Ngân hàng số: Viễn cảnh “soán ngôi” ngân hàng truyền thống còn xa vời Ngân hàng số: Viễn cảnh “soán ngôi” ngân hàng truyền thống còn xa vời

VTV.vn - Theo một số đánh giá gần đây tại Anh, sau sự bùng nổ và phát triển nóng ban đầu, hoạt động của các ngân hàng số không thực sự có dấu hiệu đột phá.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước