Giá trị gia tăng thấp khi gia công giày dép cho thương hiệu nước ngoài
Là nước đứng thứ 2 thế giới về xuất khẩu giày dép chỉ sau Trung Quốc, nhưng Việt Nam lại không sở hữu một thương hiệu giày dép có tiếng trên thế giới, mà chủ yếu là gia công cho các thương hiệu nước ngoài.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc từng dẫn chứng nếu một đôi giày của thương hiệu Mỹ gia công toàn bộ tại Việt Nam được bán với giá 100 USD, thì Việt Nam chỉ hưởng lợi 22 USD, 78 USD còn lại thuộc về Mỹ. Danh xưng "Công xưởng gia công giày dép" cần được thay đổi, mà một trong yếu tố tiên quyết đó là phải phát triển công nghiệp vật liệu cho ngành da giày.
Trong chuỗi giá trị ngành da giày thế giới, Việt Nam hoạt động chủ yếu ở các khâu cắt, may, dán, đóng các loại vật liệu được cung cấp sẵn để hình thành chiếc giày; nguyên phụ liệu hầu hết được các công ty nước ngoài nhập về. Trong cơ cấu giá trị của đôi giày, chi phí nguyên phụ liệu chiếm đến 70%, nên dù kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam lớn nhưng giá trị gia tăng lại thấp.
Đứng thứ hai thế giới về xuất khẩu giày dép nhưng Việt Nam lại chủ yếu gia công. Ảnh minh họa - VOV.
Đi tìm động lực để phát triển công nghiệp nguyên vật liệu cho ngành da giày
70% chi phí của đôi giày dành cho nguyên phụ liệu. Tuy nhiên, trên một đôi giày "Made in Việt Nam" thì nội địa hóa chỉ mới chiếm 30%.
Chưa phát triển được công nghiệp hỗ trợ cho ngành, doanh nghiệp giảm lợi thế cạnh tranh và không chủ động được nguồn cung, nhất là trong nguy cơ gián đoạn nguồn cung vì dịch bệnh như hiện nay, nút thắt nào khiến doanh nghiệp chưa mặn mà đầu tư nguyên phụ liệu cho da giày và động lực sẽ đến từ đâu?
Nguyên phụ liệu là “nút thắt” của ngành công nghiệp da giày Việt Nam. Ảnh minh họa - Dân trí.
Đặc điểm của công nghiệp vật liệu đòi hỏi thời gian đầu tư nhanh, hoàn vốn nhanh và liên tục thay đổi công nghệ. Tuy nhiên, việc tiếp cận mặt bằng đất đai để dựng nhà xưởng cũng mất 3-5 năm, khó vay vốn để mua dây chuyền máy móc hàng chục tỷ đồng đang kéo chậm và làm nhụt ý chí đầu tư.
Khi Nghị quyết 115 ra đời, các doanh nghiệp rất mừng nhưng vẫn mong muốn cụ thể hoá chính sách như miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp trong 5 năm đầu, hay ưu đãi lãi suất tín dụng để giữ được dòng tiền, tái đầu tư.
Trong khi chờ đợi, động lực mới đến từ những hiệp định thương mại tự do, động lực nghiên cứu phát triển vật liệu mới, giảm phụ thuộc, tăng giá trị.
Chính sách đi kèm với ưu đãi từ những hiệp định thương mại tự do đang tạo chất xúc tác cho ngành da giày tăng tốc chủ động nguồn nguyên liệu nhằm đáp ứng quy tắc xuất xứ và tăng thêm giá trị cho đôi giày gắn mác "Made in Việt Nam".
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!