Tại phiên thảo luận sáng nay (2/11) về Kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020; Kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2016, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2017, đại biểu Vũ Tiến Lộc (đoàn Thái Bình) đã nhấn mạnh một số con số cho thấy tín hiệu lạc quan về môi trường kinh doanh tại Việt Nam.
Ngày 25/10, Tổng cục Thống kê công bố: 10 tháng đầu năm, cả nước có hơn 91.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới. Tính ra trung bình, cứ chưa đầy 5 phút, ở Việt Nam lại có thêm 1 doanh nghiệp mới ra đời. Với đà này, năm 2016 sẽ đi vào lịch sử kinh tế nước nhà là năm đầu tiên số lượng doanh nghiệp thành lập mới có thể vượt ngưỡng 100.000 doanh nghiệp.
Ngày 26/10, Ngân hàng Thế giới công bố: Việt Nam tăng 9 bậc trong Bảng tổng sắp môi trường kinh doanh toàn cầu, xếp thứ 82 trên 190 nước trên thế giới, xếp thứ 5 trong 10 nước ASEAN.
Theo đại biểu Vũ Tiến Lộc: "Từ quốc tế nhìn vào, Ngân hàng thế giới đã quyết định nâng bậc cho Chính phủ Việt Nam về chất lượng thể chế. Còn ở trong nước, người dân đã bỏ phiếu cho Chính phủ bằng việc hăng hái thành lập doanh nghiệp. Niềm tin vào môi trường kinh doanh đang được khơi dậy".
"Cử tri và cộng đồng doanh nghiệp cả nước đặc biệt cảm nhận và đánh giá cao tinh thần và hành động của Chính phủ theo hướng kiến tạo, phục vụ người dân và doanh nghiệp. Các mục tiêu đưa Việt Nam vào nhóm 4 quốc gia có môi trường kinh doanh tốt nhất trong ASEAN, hướng tới mục tiêu có ít nhất 1 triệu doanh nghiệp hoạt động nhất có hiệu quả vào năm 2020… chỉ có thể đạt được bằng những nỗ lực đột phá" – Đại biểu Vũ Tiến Lộc khẳng định.
Đồng tình với quan điểm này, đại biểu Nguyễn Bá Sơn (đoàn Đà Nẵng) nhận định: "Trong thời gian qua Chính phủ đã có sự vào cuộc quyết liệt, phát đi những thông điệp rõ ràng, khẳng định vai trò tiên phong của doanh nghiệp, nỗ lực tháo gỡ các khó khăn và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Biểu hiện cụ thể nhất, Chính phủ tiếp tục ban hành Nghị quyết số 19 về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2016 - 2017, định hướng đến 2020".
Đa số ĐBQH đồng tình với đánh giá nêu trong Báo cáo của Chính phủ về Kế hoạch phát triển KT - XH năm 2016 và Kế hoạch phát triển KT - XH năm 2017; cho rằng, mặc dù tình hình trong nước và thế giới còn có những khó khăn, thách thức lớn nhưng nhìn tổng thể, tình hình kinh tế - xã hội nước ta đã có chuyển biến đúng hướng.
Tăng trưởng kinh tế tuy không đạt kế hoạch nhưng vẫn khá cao so với các nước trong khu vực; lãi suất, tỷ giá tương đối ổn định. Sau khi được kiện toàn, Chính phủ đã có thông điệp rõ ràng, phản ứng nhanh trước các vấn đề bức xúc của nhân dân về tình hình kinh tế - xã hội của đất nước…
Tuy nhiên, các đại biểu cũng cho rằng, mặc dù niềm tin đã được khơi dậy và không khí khởi nghiệp quốc gia đã bắt đầu, nhưng nền kinh tế và cộng đồng doanh nghiệp vẫn đang đứng trước những khó khăn, thách thức to lớn mà các Kế hoạch về phát triển kinh tế xã hội năm 2017 và tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020 phải tính đến một cách cẩn trọng.
Theo đại biểu Vũ Tiến Lộc: "Chính phủ cần nghiên cứu đưa ra những mục tiêu phù hợp với thực lực hơn, không nên đưa ra những mục tiêu quá cao để phấn đấu mà không bao giờ đạt được, hay các mục tiêu quá thấp để dễ dàng vượt qua. Chỉ khi chúng ta đưa ra được những mục tiêu có tính khả thi, đồng thời có các kịch bản xử lý tình huống đi kèm mới giúp nền kinh tế phát triển bền vững và ít bị động trước các cú sốc".
"Trong thời gian tới và các bộ, ngành tiếp tục rà soát và cải cách điều kiện kinh doanh, rà soát các rào cản không còn phù hợp với các quy định làm cản trở hoạt động đầu tư kinh doanh để trình Quốc hội sửa đổi, nhằm đáp ứng tình hình hội nhập và tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của doanh nghiệp; tăng cường tiếng nói và mức độ tham gia của khu vực tư nhân Việt Nam trong quá trình hoạch định chính sách, đặc biệt là chính sách có liên quan trực tiếp đến quyền lợi và hoạt động của doanh nghiệp; có cơ chế đối thoại thường xuyên hơn, lập nhiều kênh lắng nghe, thu thập thông tin, phản hồi, đồng hành cùng các doanh nghiệp và các nhà đầu tư để kịp thời tháo gỡ khó khăn, giải quyết các kiến nghị của doanh nghiệp; khuyến khích hỗ trợ mạnh mẽ hơn nữa các doanh nghiệp vừa và nhỏ; tạo hành lang pháp lý cho hoạt động khởi nghiệp" – đại biểu Nguyễn Bá Sơn nêu ý kiến.