Ở Khánh Hòa, giá thu mua mía tại ruộng là 900.000 đồng/tấn 10 chữ đường. Nhưng không phải xe mía nào đưa đến nhà máy cũng đạt 10 chữ đường, vì thế thu nhập người trồng mía giảm sút. Theo tính toán của người trồng mía, sau khi trừ chi phí, 1 ha mía trong niên vụ mía 2013-2014, tiền bán mía chỉ khoảng 40-50 triệu đồng, ngang bằng với chi phí bỏ ra.
Chưa có khảo sát có bao nhiêu hộ nông dân trồng mía có lãi trong niên vụ vừa rồi. Tuy nhiên, ở một số vùng trồng mía trọng điểm như xã Ninh Tân, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa, tỷ lệ hộ trồng mía có lãi chưa quá 20%. Đây là lý do khiến cho sau khi thu hoạch xong, hàng loạt nông dân chuyển sang cây trồng khác hoặc không mặn mà đầu tư cho ruộng mía.
Tương ứng với diện tích mía cả nước gần 300.000 ha, hàng triệu nông dân trồng mía đang đặt ra cây hỏi có nên tiếp tục gắn bó nữa hay không? Người trồng mía băn khoăn, lo lắng bởi niên vụ này nhà máy đường thì tồn kho đến trên dưới 600.000 tấn đường, kéo theo sức tiêu thụ mía chậm, giá thấp.
Nâng thu nhập cho người trồng mía được các chuyên gia kinh tế cho rằng có thể giải quyết bằng cách nâng năng suất mía, giảm chi phí đầu tư chứ không thể nâng giá mía khi mà giá thành đường sản xuất trong nước đã cao hơn các nước khác. Thế nhưng, cho đến lúc này, đây vẫn là bài toán chưa giải được đối với ngành mía đường, mặc dù đây là ngành sản xuất đã có bề dày thời gian và đã cán mốc 1,5 triệu tấn đường trong năm ngoái.