“Nông nghiệp Việt Nam là nền nông nghiệp chia cắt”

Anh Thư-Thứ bảy, ngày 13/07/2013 07:00 GMT+7

 Khẩn trương cứu giá lúa, giá thủy sản, chăn nuôi là vấn đề đáng bàn nhất của ngành nông nghiệp thời điểm này khi mới đây, lãnh đạo cấp cao của Chính phủ đã phải chủ trì những hội nghị về tiêu thụ nông sản.

Chưa khi nào đời sống và thu nhập của nông dân khó khăn như hiện nay khi gần như các nông sản chủ lực xuống giá sâu và kéo dài, trong khi đầu vào là vật tư nông nghiệp giá vẫn ở mức cao. Thực tế này đã bộc lộ một tồn tại lớn của ngành nông nghiệp và nhiệm vụ đặt ra cho tái cơ cấu là phải giải quyết thì mới có thể làm thay đổi thực tế thu nhập của nông dân, vấn đề cốt lõi của chương trình xây dựng nông thôn mới.

Lúa gạo - loại nông sản chủ lực chiếm nửa GDP trong nông nghiệp và có một nửa dân số Việt Nam đang tham gia sản xuất nhưng đến thời điểm này, giá lúa đang ở trong tình trạng thê thảm nhất. Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam thấp nhất thế giới, hệ lụy là giá bán lúa của nông dân không đủ bù chi phí, chứ chưa nói đến chuyện lãi 30% như mục tiêu Chính phủ đề ra khi tiến hành tạm trữ.

Sau hơn 20 năm xuất khẩu gạo, Việt Nam vươn lên là nước xuất khẩu lúa gạo hàng đầu thế giới. Đó là một thành tựu lớn, nhưng có nên “ôm” mãi thành tích này khi mà thu nhập của người trồng lúa thuộc diện thấp nhất xã hội. Phân tích số liệu về tình hình xuất khẩu gạo của Việt Nam, chuyên gia Nguyễn Đình Bích cho rằng, công tác điều hành xuất khẩu gạo của chúng ta thực sự có vấn đề.

Ông Nguyễn Đình Bích, Chuyên gia về phân tích thương mại ngành hàng gạo nói: “Rõ ràng đằng sau đó là bà con nông dân cũng không được, DN xuất khẩu gạo cũng không được, lợi ích quốc gia cũng không có. Chúng ta đang “làm mát” thị trường thế giới, chúng ta làm công tác an ninh lương thực cho thế giới thì tốt, còn trong nước thì không”.

‘ 5 năm gần đây thu nhập và đời sống của nông dân liên tục sụt giảm. Ảnh minh họa

Kết quả điều tra của Viện Chính sách và Chiến lược phát triển NN-NT cho thấy, 5 năm gần đây thu nhập và đời sống của nông dân liên tục sụt giảm. Trong 3.000 hộ điều tra, 50% phải chịu những cú sốc về thu nhập khiến tỷ lệ tái nghèo tăng, tích lũy trung bình hàng năm của hộ nông dân chỉ ở mức 5-8 triệu đồng và mất hết chỉ sau một cú sốc, 50% phải vay lãi ngoài để trang trải cuộc sống và sản xuất.

Ông Lê Huy Ngọ, nguyên Bộ trưởng Bộ NN&PTNT cho rằng, khi chúng ta không trả lời được rõ ràng và dứt khoát câu hỏi: Nông sản làm ra bán cho ai, thì những gì nông dân phải gánh chịu thời điểm này chính là hệ lụy.

Từng tham gia vào việc ban hành Quyết định 80 về “liên kết 4 nhà” trong sản xuất và tiêu thụ nông sản, nhưng đến giờ ông Ngọ cho rằng, nó đã chết yểu. Khi Nhà nước không cầm trịch cho 3 nhân tố còn lại là nông dân - doanh nghiệp - nhà khoa học thì đó là một nền nông nghiệp đứt gãy. “Chúng ta quá chăm bẵm cho sản xuất mà quên mất yếu tố thị trường thì đó là một khuyết tật lớn của nền nông nghiệp, cho nên tới đây quy định DN xuất khẩu gạo phải làm việc với nông dân”.

Theo Tiến sĩ Đặng Kim Sơn, Viện trưởng Viện chính sách và Chiến lược phát triển NN-NT: “Nông nghiệp Việt Nam là một nền nông nghiệp chia cắt, không ai tin ai, đơn cử như cá da trơn mặc dù một mình một chợ nhưng rồi chính DN chúng ta tự hại nhau, nếu không tổ chức lại không phải liên kết bằng hợp đồng, mà bằng thể chế, thì chúng ta khó có một ngành hàng tử tế”.

Mặt hàng gạo là điển hình của sự đứt gãy. Một doanh nghiệp tư nhân có thể đầu tư lớn và hình thành nên các cánh đồng mẫu lớn, liên kết với nông dân để sản xuất lớn thì lại không có quota xuất khẩu gạo. Trong khi đó, những tổng công ty lương thực lớn của Nhà nước lại chỉ lo xuất khẩu mà không quan tâm đến vùng nguyên liệu. Và hệ quả là ngày hôm nay, hầu hết nông sản của Việt Nam đều đang được bán với giá rẻ nhất thế giới.

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước