Theo Bộ Xây dựng, đến nay cả nước mới hoàn thành hơn 300 dự án nhà ở xã hội khu vực đô thị và nhà ở công nhân khu công nghiệp, với khoảng 155.000 căn. Con số này là quá nhỏ so với nhu cầu được dự báo từ nay tới 2030 là 2,6 triệu căn.
Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ rất quan tâm tới vấn đề này. Ngay tại Nghị quyết 01 về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, Chính phủ đã đặt mục tiêu từ nay tới năm 2030 sẽ đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội.
Khu nhà ở xã hội mới đi vào hoạt động 2 năm nay. Những phần diện tích đang bỏ không chiếm tới 20% dự án và theo quy định, chủ đầu tư phải dành số diện tích này ra để cho thuê trong 5 năm, sau đó mới được bán.
"Diện tích 20% đấy thì phải sau 5 năm, chủ đầu tư mới được bán mới được bán, do đó chậm thu hồi vốn nên cũng ảnh hưởng đến hiệu quả của dự án. Đối tượng mua nhà ở xã hội hiện tại có rất nhiều doanh nghiệp và hợp tác xã muốn mua nhưng vì quy định những đối tượng chính sách là cá nhân mới được mua nhà, đây cũng là một vấn đề đang vướng", ông Nguyễn Thành Trung, Giám đốc Ban Quản lý Dự án Liên danh Handico - Viglacera, chia sẻ.
Đến nay, cả nước mới hoàn thành hơn 300 dự án nhà ở xã hội khu vực đô thị và nhà ở công nhân khu công nghiệp, với khoảng 155.000 căn. (Ảnh minh họa - Ảnh: TTXVN)
Phải mất 2 - 3 năm để hoàn tất thủ tục hành chính cho một dự án nhà ở xã hội, hồ sơ nhiều gấp đôi nhà ở thương mại. Thêm vào đó, quy định chủ đầu tư chỉ được hưởng tối đa 10% lợi nhuận đã khiến không có mấy chủ đầu tư mặn mà xây nhà ở xã hội.
"Khi thủ tục hành chính quá tốn kém, đắt đỏ thì nhà đầu tư chỉ hướng đến thị trường nhà cho người có thu nhập cao vì giá thành cao mới có thể bù đắp chi phí về mặt thủ tục hành chính, về thời gian chờ đợi vì quy trình xin phép rất phức tạp", ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, cho biết.
1 triệu căn nhà ở xã hội - đây là thách thức rất lớn, nhưng cũng sẽ là áp lực để các bộ, ngành địa phương triển khai các giải pháp mạnh mẽ, khơi thông các nguồn lực đất đai, tài chính, sửa đổi bổ sung các quy định pháp luật về nhà ở.
"Cần phải nghiên cứu sửa đổi các quy định của Luật Nhà ở để làm sao có cơ chế thúc đẩy, bởi vì là nếu không sửa Luật Nhà ở thì không thể hoàn thiện và không thể đạt được mục tiêu 1 triệu căn như Thủ tướng Chính phủ đã giao", ông Nguyễn Mạnh Khởi, Phó Cục trưởng, Cục Quản lý nhà và Thị trường Bất động sản, Bộ Xây dựng, nhận định.
Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) hiện đang được Bộ Xây dựng đưa ra lấy ý kiến rộng rãi và sẽ nhanh chóng tổng hợp, tiếp thu để hoàn thiện, đảm bảo phù hợp với thực tế, thúc đẩy việc triển khai các dự án nhà ở xã hội tới đây sẽ nhanh gọn hơn.
Khơi thông dòng vốn cho nhà ở xã hội
Việc sửa Luật Nhà ở là cấp bách bởi nhiều quy định đã không còn phù hợp. Bên cạnh đó, việc khơi thông nguồn vốn cho nhà ở xã hội cũng là vấn đề rất quan trọng.
Thông tin về gói tín dụng 120.000 tỷ cho doanh nghiệp, người mua nhà ở xã hội vay được đánh giá là một trong những tín hiệu tích cực sau hội nghị về tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản do Thủ tướng chủ trì vào cuối tuần trước.
"Về cái gói 120.000 tỷ này, chủ trương gói này là phù hợp. Còn về thực tế, rõ ràng bất cứ một phân khúc nào được hỗ trợ thì nó cũng tác động lan tỏa tới các phân khúc khác. Chúng ta cũng thấy rằng, để hỗ trợ cho thị trường bất động sản phát triển ổn định và bền vững thì rõ ràng việc hỗ trợ cho phân khúc nhà ở trung bình và nhà ở xã hội là phân khúc được sự đồng thuận nhiều nhất của người dân", TS. Đinh Thế Hiển, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Tin học và Kinh tế ứng dụng, đánh giá.
"Chính sách hỗ trợ lãi suất cho người mua nhà ở xã hội và những nhà cho người làm ở các khu công nghiệp hay các khu dân cư cũng sẽ giải quyết được tính thanh khoản cho thị trường. Nó cũng là một điểm nhấn giúp thị trường hoạt động sôi động trở lại", ông Nguyễn Quốc Khánh, Phó Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, nhận định.
"Nếu chúng ta hỗ trợ được cho họ sống sót qua cái giai đoạn này thì về sau, trong vòng vài năm tới, thị trường lúc đó ấm lên, kinh tế phát triển lên và bất động sản lại trở lại nhịp bình thường", ông Nguyễn Hưng, Tổng Giám đốc TPbank, cho hay.
"Dòng vốn tín dụng của các ngân hàng để phát triển các dự án nhà ở xã hội, một đồng vốn rất là quý. Chúng tôi tin tưởng tới giữa năm 2023 sẽ có sự khởi sắc hơn, có những cái dấu hiệu tốt hơn, có những cái điều kiện phát triển bền vững hơn", ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, nói.
Như vậy với thông tin gói tín dụng 110.000 tỷ đồng do Bộ Xây dựng đề xuất cho vay tập trung phát triển nhà ở xã hội và gói vay thương mại 120.000 tỷ đồng từ 4 ngân hàng thương mại dành cho phân khúc này đang tạo nhiều hy vọng cho người dân và doanh nghiệp, bởi đây là hai gói tín dụng hoàn toàn độc lập. Nếu thuận lợi, dự báo đây là nguồn vốn mồi khôi phục thị trường bất động sản nói chung và phân khúc nhà ở xã hội nói riêng.
Thủ tướng giao Bộ Xây dựng chủ trì phối hợp với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, đề xuất dự thảo Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số chính sách nhằm đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân để kịp thời tháo gỡ những vướng mắc, chồng chéo, khoảng trống của pháp luật trong thời gian chưa sửa các Luật liên quan, trình Chính phủ.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!