Phê chuẩn EVFTA và EVIPA: Việt Nam - Đối tác tin cậy của châu Âu

Ban Thời sự-Thứ năm, ngày 13/02/2020 20:15 GMT+7

VTV.vn - Nghị viện châu Âu đã phê chuẩn EVFTA và EVIPA với Việt Nam bằng số phiếu ủng hộ rất cao với sự tin tưởng vào triển vọng của Việt Nam.

Tối 12/2 theo giờ Việt Nam, Nghị viện châu Âu đã phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) và Hiệp định bảo hộ đầu tư (EVIPA) giữa hai bên. Kết quả này đã thể hiện rõ nét sự nỗ lực của Việt Nam trong suốt những năm qua.

Nỗ lực, kiên trì, bền bỉ, quyết liệt là những từ để nhấn mạnh khi Việt Nam đã vượt qua một chặng đường dài để có được 2 hiệp định tự do thế hệ mới, với những cam kết sâu rộng nhất từ trước đến nay.

Cũng có thể nói, suốt quá trình đàm phán, thúc đẩy hiệp định là quá trình Việt Nam vượt lên chính mình qua những con số hết sức ấn tượng.

Quá trình đàm phán kiên trì, liên tục đã diễn ra trong suốt 9 năm với khoảng 15 vòng đàm phán chính thức, không dưới 20 tờ trình ở các cấp cao nhất, liên quan đến rất nhiều nội dung về các tiêu chuẩn đòi hỏi ở mức đặc biệt cao trong đàm phán. Cả hai bên cũng đã phải hết sức nỗ lực để thống nhất nội dung hiệp định với dung lượng gần 4.000 trang tài liệu.

Đến lúc này, Việt Nam là quốc gia đang phát triển duy nhất trên thế giới, quốc gia thứ 2 trong khối ASEAN có được Hiệp định thương mại tự do (FTA) với tổ chức thương mại hàng đầu trên thế giới, tập hợp 27 quốc gia, trong đó có nhiều cường quốc kinh tế thế giới, quy mô GDP lên tới gần 18.300 tỷ USD, chiếm tỷ trọng khoảng 40% hoạt động ngoại thương toàn cầu.

Thế nhưng, để có được 2 hiệp định với khối kinh tế này, toàn hệ thống chính trị, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, quốc hội và các bộ - ngành, đoàn đàm phán... đã nỗ lực, kiên trì không mệt mỏi, nhất là những mốc quan trọng trong tiến trình đàm phán. Kết quả này đã được phía Liên minh châu Âu đánh giá rất cao.

TIẾN TRÌNH ĐÀM PHÁN EVFTA

Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) cũng như IPA được coi là hiệp định có tiến trình đàm phán và thúc đẩy dài nhất từ trước đến nay. Sau đây là chặng đường dài đầy khó khăn kể từ cuối năm 2010 để tiến tới được mốc phê chuẩn các hiệp định này ngày 12/2.

- Tháng 10/2010, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam và Chủ tịch EU đã đồng ý khởi động đàm phán Hiệp định EVFTA.

- Tháng 6/2012, Việt Nam và Liên minh châu Âu chính thức tuyên bố khởi động đàm phán Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU.

- Sau 14 phiên đàm phán, tháng 12/2015 đàm phán kết thúc và khởi động tiến trình rà soát pháp lý để chuẩn bị cho việc ký kết Hiệp định.

- Tháng 6/2018, EVFTA được tách làm hai Hiệp định, một là Hiệp định Thương mại tự do EVFTA, và một là Hiệp định Bảo hộ Đầu tư EVIPA. Đồng thời chính thức kết thúc quá trình rà soát pháp lý đối với Hiệp định EVFTA.

- Tháng 10/2018, Ủy ban châu Âu đã chính thức thông qua EVFTA và IPA.

- Ngày 30/6/2019, hai Hiệp định đã được ký kết tại thủ đô Hà Nội.

- Ngày 21/01/2020, Ủy ban Thương mại quốc tế của Nghị viện châu Âu đã bỏ phiếu thông qua khuyến nghị phê chuẩn Hiệp định EVFTA và Hiệp định IPA giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu.

- Ngày 12/2/2020, Nghị viện châu Âu phê chuẩn 2 Hiệp định EVFTA và EVIPA.

- Dự kiến tháng 5/2020, Quốc hội Việt Nam xem xét phê chuẩn Hiệp định EVFTA và EVIPA.

Tất cả sẵn sàng cho hiệp định EVFTA được thực thi ngay trong năm nay.

NỖ LỰC CHUNG TRONG HÀNH TRÌNH EVFTA VÀ EVIPA

Việc Nghị viện châu Âu cùng lúc phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do và Hiệp định bảo hộ đầu tư với Việt Nam với tỷ lệ rất cao là kết quả của sự chỉ đạo quyết liệt, xuyên suốt và liên tục của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong hành trình đàm phán và thực hiện các thủ tục phê chuẩn 2 hiệp định. Đây là cũng đồng thời là kết quả của sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa các Ban, Bộ ngành Trung ương, các cơ quan Chính phủ, cơ quan Quốc hội và các cơ quan tư pháp cũng như giữa Thủ tướng Chính phủ với Chủ tịch Quốc hội.

Chỉ mất 3 năm để đàm phán Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu. Thế nhưng, thời gian trong hành trình hoàn tất các thủ tục để Hiệp định này được Nghị viện châu Âu phê chuẩn mất gần gấp đôi.

Sau khi được tách thành Hiệp định Thương mại tự do và Hiệp định Bảo hộ đầu tư, từ đầu năm 2019, một cuộc chạy marathon trong vận động và thúc đẩy các cơ quan của châu Âu tiến hành các thủ tục để ký chính thức và phê chuẩn Hiệp định đã được thực hiện. Tháng 10/2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm Liên minh châu Âu và Áo - nước lúc đó đang giữ vai trò Chủ tịch luân phiên của Hội đồng châu Âu. Ngay trong chuyến thăm của Thủ tướng, Ủy ban châu Âu đã thông qua quyết định trình Hiệp định lên Hội đồng châu Âu xem xét chấp thuận ký chính thức. Cũng trong chuyến thăm này, Thủ tướng và các nhà lãnh đạo châu Âu đã nhất trí được thời điểm ký và phê chuẩn 2 Hiệp định này.

Tuy nhiên, do châu Âu phải xử lý các thủ tục cho sự ra đi của nước Anh nên phải mất hơn nửa năm sau, bước ngoặt của tiến trình này mới xảy ra sau chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tới Romania, nước Chủ tịch luân phiên của Hội đồng châu Âu và và tới CH Czech vào cuối tháng 4/2019.

Trong hành trình gần 5 năm phê chuẩn các Hiệp định này, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã phối hợp chặt chẽ, quyết liệt, đồng bộ và hiệu quả với Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chủ tịch Quốc hội. Ở những thời điểm quan trọng khi Thủ tướng thăm Romania, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã thăm Nghị viện châu Âu và Ủy ban châu Âu để thúc đẩy việc ký và phê chuẩn hai Hiệp định này. Theo đề nghị của Chính phủ, Quốc hội đã thông qua nhiều quy định mới về lao động hài hòa với những tiêu chuẩn quốc tế.

Với sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, hiệu quả cao giữa các Ban, Bộ ngành Trung ương, các cơ quan Chính phủ, cơ quan Quốc hội và các cơ quan tư pháp, ngày 30/6/2019, ngày mà lãnh đạo EU và Việt Nam đều coi là một ngày đặc biệt, mang ý nghĩa lịch sử trọng đại trong quan hệ giữa Việt Nam và EU, Hiệp định thương mại tự do và Hiệp định bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu đã được ký trước sự chứng kiến của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, vừa trở về từ Hội nghị Thượng đỉnh G20 và ngay sau đó, Thủ tướng đã quay trở lại Tokyo để thăm chính thức Nhật Bản.

Trong gần 5 năm của hành trình thúc đẩy để ký và phê chuẩn hai Hiệp định này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhiều lần cử Thứ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn làm đặc phái viên sang vận động các cơ quan của châu Âu và các nước giữ vai trò Chủ tịch luân phiên đã giúp khơi thông nhiều điểm nghẽn, cũng như trực tiếp trao đổi, cung cấp thông tin, giúp các nước thành viên EU và hơn 700 nghị sĩ hiểu hơn về thực tế khách quan ở Việt Nam.

Một chặng đường dài đã qua. Trên chặng đường ấy có những lúc khó khăn, cam go, thậm chí là đàm phán căng thẳng và cân não nhưng chặng đường đó cũng in đậm dấu ấn của trí tuệ và khát vọng vươn lên của một trong những nền kinh tế phát triển năng động và mở cửa nhất khu vực châu Á cũng như dấu ấn của sự quyết tâm hội nhập sâu rộng và toàn diện của cả hệ thống chính trị, chính phủ và các bộ ngành với mong muốn đưa đất nước ngày càng đi lên.

Trong quá trình thực thi các hiệp định này cũng như con đường hội nhập sắp tới, chắc chắn Việt Nam sẽ còn gặp không ít thách thức, khó khăn, thậm chí là những vấp váp, va đập nhưng khi vượt qua được, Việt Nam sẽ càng thành công hơn nữa trong công cuộc hội nhập và phát triển.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước