Phí logistics tăng cao, doanh nghiệp xuất khẩu chật vật ứng phó
Giá cước vận tải biển tăng gấp 3 - 4 lần, thậm chí có thời điểm tăng cao gấp 10 lần so với cùng kỳ. Theo các doanh nghiệp, tình trạng này vẫn đang tiếp diễn chưa thấy có dấu hiệu chấm dứt trong đầu năm nay.
Trước thực tế này, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu đã phải tìm mọi cách để ứng phó để đảm bảo mục tiêu xuất khẩu, cố gắng giữ chân khách hàng.
Phí logistics tăng tới 4 lần, nhưng giá sản phẩm không được tăng giá, một doanh nghiệp xuất khẩu cho biết họ chỉ còn cách cắt giảm chi phí sản xuất. Bên cạnh đó, thay vì đẩy mạnh hàng vào thị trường Mỹ, Canada, họ tìm kiếm thêm thị trường gần hơn như: Đài Loan (Trung Quốc), Singapore, Hàn Quốc, để giảm chi phí vào logistics, dòng tiền quay vòng nhanh hơn.
Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu đã phải tìm mọi cách để ứng phó để đảm bảo mục tiêu xuất khẩu. (Ảnh minh họa: Báo Đầu tư)
"Phải rà soát các loại chi phí, tiết giảm tối đa các chi phí để bù đắp được một phần phí logistics", bà Ngô Thu Hồng, Tổng Giám đốc Công ty CP Ameii Việt Nam, cho biết.
Ngoài ra, họ còn chủ động cập nhật phí logistics theo tuần, từ đó một mặt tận dụng được thời điểm giá tốt, một mặt điều chỉnh kế hoạch xuất khẩu phù hợp.
Với một doanh nghiệp xuất khẩu khác, để ứng phó với việc khan hiếm container rỗng, họ phải đàm phán lại với khách hàng, linh động hơn về thời điểm giao hàng, không fix sẵn như trước.
"Doanh nghiệp nước ngoài họ hiểu tình hình dịch bệnh, nên khi đàm phán cũng không gặp khó khăn nhiều, họ không cứng nhắc, kể cả khách Mỹ hay khách Nhật", ông Nguyễn Xuân Biên, Giám đốc Xuất khẩu, Công ty Xuất nhập khẩu thực phẩm Toàn Cầu, chia sẻ.
Về lâu dài, nếu chi phí logistic vẫn cao thì họ cũng phải tìm đến thị trường gần hơn, thậm chí tập trung vào thị trường nội địa, nhưng việc này không dễ và cần thời gian, nguồn lực lớn.
Doanh nghiệp cần những bước đi táo bạo để giữ vững tăng trưởng
Theo số liệu của Bộ Công Thương, sau gần 2 tháng đầu năm, xuất khẩu của Việt Nam vẫn tăng trưởng 36%, trong đó xuất khẩu nông sản đạt mốc tăng 5% so với cùng kỳ năm 2020, rõ ràng các biện pháp "thắt lưng buộc bụng" trên của các doanh nghiệp có phát huy hiệu quả. Tuy nhiên, theo chính các doanh nghiệp, đây chỉ là những biện pháp trước mắt, còn họ vẫn cần tính những bước đi dài hạn.
Giá cước vận tải biển tăng gấp 3 - 4 lần, thậm chí có thời điểm tăng cao gấp 10 lần so với cùng kỳ. (Ảnh minh họa: Báo Đầu tư)
Thực tế, Việt Nam hoàn toàn không có hãng tàu container nào. Vì vậy, việc quyết định giá cước nằm ở tay các hãng nước ngoài, doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam hoàn toàn bị động. Theo Bộ Công Thương, đây cũng là cơ hội tốt nhất để nhà nước đưa ra các chính sách lâu dài, khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp tư nhân lập hãng tàu vận tải biển, hoặc liên doanh, liên kết với hãng tàu lớn.
"Các cơ quan quản lý nhà nước cũng như doanh nghiệp cũng phải có những suy nghĩ về vấn đề định hướng dài hạn thì bắt đầu có những doanh nghiệp Việt Nam quan tâm đến vấn đề về sản xuất cũng như xuất khẩu container. Chúng ta không thể làm được trong một ngày, nhưng trong 1 - 2 năm tới, chúng ta hy vọng đây sẽ là một hướng đi mới trong sản xuất cũng như hoạt động xuất khẩu của Việt Nam", ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương, nhận định.
Liên quan đến việc tăng giá cước vận tải container, đại diện các hãng tàu lý giải do ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19 khiến việc giải phóng hàng và quay vòng container rỗng bị kéo dài. Họ cho rằng tình hình này còn kéo dài đến hết tháng 3, thậm chí có thể đến quý II năm nay do dịch bệnh vẫn phức tạp.
Không chỉ riêng Việt Nam, mà giá cước vận tải container tăng cao hiện là tình trạng chung trên toàn cầu, đặc biệt là các tuyến từ Trung Quốc tới châu Âu hoặc Mỹ.
Theo báo cáo vừa công bố ngày 24/2 của Fitch Solutions, giá vận chuyển 1 container 40 feet từ Trung Quốc sang châu Âu hiện là hơn 8.000 USD, trong khi năm 2020 chỉ chưa đến 2.000 USD, chưa đến 1/4 mức giá hiện nay. Tuy nhiên, báo cáo của Fitch Solutions cũng nhận định rằng giá cước tăng cao như hiện tại chỉ kéo dài trong ngắn hạn, cụ thể là trong năm nay, và sẽ dần ổn định trở lại trong trung hạn.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!