Những ngày này, cuộc sống, sinh hoạt của hàng trăm hộ dân ở thị trấn Khâm Đức, nơi được mệnh danh là “thiên đường vàng” của huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam bị đảo lộn, rối ren, nhiều người đã có ý nghĩ tiêu cực khi rơi vào thế đường cùng do vỡ nợ dây chuyền.
Còn chính quyền huyện Phước Sơn thì đang rất lo lắng về tình hình an ninh trật tự ở địa phương trong những ngày cận Tết. Nguyên nhân chính khiến người dân và chính quyền rơi vào hoàn cảnh như trên là do Công ty TNHH Vàng Phước Sơn chây ỳ và đang có dấu hiệu xù nợ.
Gia đình bà Lê Thị Bạch Tuyết ở khối 2A, thị trấn Khâm Đức, huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam đã hàng chục năm nay. Mỗi đêm, hai vợ chồng bà Tuyết phải dậy từ lúc 2h sáng để chế biến bún và mì. Mỗi kg mì hay bún, bà Tuyết chỉ có lãi 1.000 đồng. Vậy mà, gần 1 năm nay, Công ty TNHH Vàng Phước Sơn đã nợ của gia đình bà Tuyết số tiền lên đến gần 60 triệu đồng. Không có tiền để trả nợ, gia đình bà Tuyết rơi vào cảnh túng quẫn, 5 đứa con đang ăn học, có nguy cơ phải bỏ học.
‘ Người dân chặn trước cửa Công ty TNHH Vàng Phước Sơn để đòi nợ. (Ảnh: Báo Quảng Nam)
Không riêng gì bà Tuyết, ở chợ Khâm Đức, hàng chục hộ tư thương từ bán rau, bán bánh mì, hàng ăn uống đều bị Công ty TNHH Vàng Phước Sơn nợ với số tiền từ vài chục triệu lên đến hàng trăm triệu đồng. Đơn cử như trường hợp bà Dương Thị Hoa, năm nay đã ngoài 60 tuổi, hàng ngày bán từ cọng hành, quả dưa, kiếm sống qua ngày, thế nhưng vì nhẹ dạ cả tin mà số tiền Công ty Vàng Phước Sơn đã nợ của gia đình bà Hoa lên đến con số 220 triệu đồng. Quá bức xúc, con trai bà Hoa đã tham gia chặn đường Công ty TNHH Vàng Phước Sơn vào ngày 26/12 vừa qua và kết quả nhận được là công ty chuyển trả 50 triệu, số còn lại không hẹn ngày trả.
Bà Dương Thị Hoa - Thị trấn Khâm Đức, huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nambức xúc: “Hồi trước, công ty nói với tôi là bán một tháng, gối đầu nửa tháng rồi thanh toán. Nhưng hai, ba tháng nay họ không trả. Tôi hết tiền rồi nên không bán nữa. Công ty bảo tôi cố gắng bán rồi ít bữa nữa chuyển tiền. Thế nhưng, tiền đâu không thấy, chỉ thấy sắp Tết con nợ tới đòi tiền, dỡ nhà tôi không có chỗ ở. Tôi cũng không hiểu họ làm ăn thế nào mà cái gì cũng thuê hết. Giờ còn thấy họ ở đó, nhưng lỡ mai họ bay về nước rồi thì tôi biết đòi tiền ai?”.
Công ty TNHH Vàng Phước Sơn có mức đầu tư khai thác tại xã Phước Đức, hơn 3.300 tỷ đồng, với hơn 1.000 công nhân đang làm việc. Trữ lượng vàng tại đây được đánh giá là 35 tấn trong chu kỳ khai thác hơn 30 năm và hiện tại, công ty đã khai thác xuất khẩu 5 tấn vàng ra nước ngoài…
Việc đưa ra những số liệu trên để thấy rằng, một công ty khai thác khoáng sản, có yếu tố nước ngoài, có trữ lượng vàng lớn, song lại đi nợ của những hộ dân, hộ buôn bán nhỏ số tiền từ vài chục triệu đến hàng trăm triệu đồng là chuyện hết sức vô lý. Phải chăng, sự chây ỳ trong việc trả nợ của Công ty TNHH Vàng Phước Sơn được coi là nguyên nhân chính, hay có điều gì khuất tất bên trong. Và trong những ngày cận Tết, lãnh đạo huyện Phước Sơn đang rất lo lắng về tình hình này.
Ông Phạm Thế Quyền - Chủ tịch UBND huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Namcho biết: “Nếu tình hình này kéo dài cũng rất gay go vì có hiệu ứng dây chuyền với nhau và không loại trừ khả năng sẽ ảnh hưởng đến an ninh trật tự ở địa phương”.
Quá bức xúc vì không được giải quyết nợ nần, nên trong hai ngày 26 và 27 tháng 12 vừa qua, hàng trăm hộ tiểu thương, buôn bán nhỏ ở thị trấn Khâm Đức đã kéo đến Công ty TNHH Vàng Phước Sơn để chặn đường đòi nợ. Chính quyền huyện Phước Sơn đã đứng ra tuyên truyền, vận động, giải thích và người dân đã tạm thời rút lui.
Song, nếu Công ty TNHH Vàng Phước Sơn không có động thái trả nợ thỏa đáng thì không chắc tình trạng chặn đường sẽ không tái diễn. Giờ đây, điều mà người dân, hộ buôn bán nhỏ ở đây cần nhất là sự vào cuộc của cơ quan chức năng của Quảng Nam để bảo vệ quyền lợi của người dân và có động thái can thiệp trước thái độ vô cảm, chây ỳ trong thanh toán nợ của Công ty TNHH Vàng Phước Sơn.