Mảng dịch vụ đang tăng trưởng rất mạnh mẽ và thúc đẩy thị trường lao động châu Âu cũng không bù đắp được mức sụt giảm của ngành sản xuất hàng hóa.
Ngày 8/6, thống kê chính thức mới xác nhận khối Eurozone rơi vào suy thoái, nhưng những dấu hiệu xấu của sản xuất công nghiệp đã xuất hiện từ cách đây 2 tháng.
Tờ Saarbruecker Zeitung ra tại Đức trong bài "Công nghiệp Đức nhận được ít đơn hàng" có đoạn viết: "Ngành công nghiệp Đức có khởi đầu yếu ớt trong quý II. Đơn đặt hàng nhận được trong tháng 4 đã giảm 0,4% so với tháng trước đó. Còn so với đúng một năm trước, mức giảm lên tới 9,9%. Trong tháng 4, tại Đức, sản xuất xe hơi và hóa chất tăng trưởng tốt, nhưng vẫn không bù lại được mức giảm trong sản xuất dược phẩm, cơ khí chế tạo".
Tháng 4 cũng là tháng tồi tệ đối với sản xuất công nghiệp tại Italy, sản lượng nguyên vật liệu và hàng tiêu dùng đều sụt giảm.
Ngành công nghiệp Đức có khởi đầu yếu ớt trong quý II. (Ảnh minh họa - Ảnh: Getty Images)
Nhật báo kinh tế Mặt trời 24h ra cách đây 2 ngày tính rằng: "So với tháng 4/2022, mức giảm đã là 7,2%". Bài trang trong có biểu đồ biến thiên trong một năm một số ngành hàng chủ lực của công nghiệp Italy. Ngoài chế tạo xe hơi, năng lượng và dược phẩm còn ghi nhận tăng trưởng, đa số các ngành sản xuất khác đều sụt giảm.
Các ngành hàng thế mạnh của Italy, nông sản thực phẩm giảm 5,6%; dệt may, quần áo, giày dép, túi da thời trang… giảm tới 8,6%. Theo biểu đồ, không kể cú sụt giảm do đại dịch và đợt phục hồi sau đó, sản xuất công nghiệp Italy đang ở mức thấp nhất trong 5 năm trở lại đây.
Hy vọng về thị trường Trung Quốc mở cửa sau đại dịch sẽ làm tăng mạnh nhu cầu đã không thành hiện thực, hoặc ít ra chưa có tác động đáng kể nào tới xuất khẩu hàng hóa công nghiệp chế tạo tại châu Âu.
Sản xuất công nghiệp tại Tây Ban Nha cũng đã giảm 4% trong tháng 4, mức giảm lớn nhất trong 2 năm trở lại đây. Tờ El Economista của Tây Ban Nha nhận thấy, thị trường đang giảm 4,9% nhu cầu đối với hàng tiêu dùng lâu bền, tức là các sản phẩm có thể sử dụng nhiều hơn 3 năm, ví dụ như" đồ gia dụng, điện tử, thể thao, đồ gỗ… Trong khi hàng tiêu dùng không lâu bền như thực phẩm, mỹ phẩm… vẫn tăng nhẹ 0,4%. Các ngành sản xuất chịu ảnh hưởng mạnh nhất trong tháng 4 là đồ gỗ, da giày và quần áo.
Bài báo cũng nêu ra tương phản rõ nét lúc này: "Đối lập với dữ liệu tiêu cực về chỉ số sản xuất công nghiệp, lĩnh vực dịch vụ vẫn tiếp tục phục hồi trong tháng 5, nhu cầu dịch vụ tăng mạnh và công ăn việc làm trong lĩnh vực dịch vụ vẫn được duy trì, phần nào bù đắp cho sản xuất công nghiệp, theo bài báo, có thể còn khó khăn cho tới hết năm nay".
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!