Sức ép cạnh tranh từ hàng nhái, không rõ nguồn gốc

Ban Thời sự-Thứ năm, ngày 12/12/2024 21:10 GMT+7

VTV.vn - 11 tháng qua, lực lượng quản lý thị trường đã kiểm tra, xử phạt khoảng 13.000 vụ/50.000 vụ việc vi phạm trong cả nước liên quan đến hàng giả, hàng nhái.

Số lượng bắt giữ và xử lý liên quan tới hàng giả, hàng nhái, vi phạm sở hữu trí tuệ gia tăng. Theo Bộ Công Thương, 11 tháng qua, lực lượng quản lý thị trường đã kiểm tra, xử phạt khoảng 13.000 vụ/50.000 vụ việc vi phạm trong cả nước liên quan đến hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, gây ra sự cạnh tranh không công bằng, dẫn đến nguy cơ triệt tiêu các sản phẩm chất lượng ở cả thị trường nội địa và xuất khẩu.

Tem chống hàng giả, nhưng lại được dán trên sản phẩm hàng giả để đánh lừa người tiêu dùng. Doanh nghiệp mỹ phẩm nước ngoài này nhiều lần làm việc với các sàn thương mại điện tử đề nghị gỡ bỏ sản phẩm vi phạm thương hiệu, đóng gian hàng, thế nhưng xử lý không xuể.

Bà Miho Misawa - Trưởng phòng quốc tế, Công ty Daiichi Sankyo Nhật Bản cho biết: “Hàng Nhật Bản thường được người tiêu dùng Việt Nam tin tưởng về chất lượng, nhưng khi người tiêu dùng nhầm lẫn giữa hàng thật và hàng giả, sử dụng hàng giả mà không đạt được hiệu quả, niềm tin vào thương hiệu sẽ giảm sút và khách hàng có thể rời bỏ. Hàng giả thường không được kiểm soát chất lượng, do đó có nguy cơ gây hại đến sức khỏe”.

Sức ép cạnh tranh từ hàng nhái, không rõ nguồn gốc - Ảnh 1.

Người tiêu dùng khó tránh tâm lý "vì rẻ mà mua", nên nguy cơ cao là dễ mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng

Ngoài hàng giả hàng nhái, hàng không rõ nguồn gốc được nhập về Việt Nam và được khoác lên chiếc áo mới với nhãn nội địa "Made in Vietnam". Đại lý phân phối thiết bị nội thất vệ sinh, vật liệu xây dựng chính hãng này phải đối mặt với doanh thu sụt giảm đến 35-40% trước sức ép cạnh tranh của các sản phẩm như vậy.

Ông Vũ Văn Dũng - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty thương mại và dịch vụ Cường Quốc chia sẻ: “Do áp lực cạnh tranh đó nên các cam kết về doanh số với nhà sản xuất, với hãng, chúng tôi bị ảnh hưởng và doanh thu ba năm trở lại đây sụt giảm rất nghiêm trọng”.

Với tem nguồn gốc xuất xứ và tem đạt chất lượng, một sản phẩm bệ rửa mặt có giá 900.000 đồng. Nhưng cùng một sản phẩm như vậy trên thị trường, không nhãn mác, có nhãn mác nhưng không rõ nguồn gốc chỉ giá từ 400.000 - 450.000 đồng - một mức giá hấp dẫn đối với người tiêu dùng. Nhưng vô hình chung tạo ra sự cạnh tranh mất công bằng trên thị trường và sẽ triệt tiêu chính những sản phẩm có nguồn gốc và chất lượng như vậy.

Theo Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, năm 2023, các lực lượng chức năng phát hiện, xử lý hơn 4.000 vụ vi phạm về hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, tăng hơn 126% so với năm 2022.

Bài toán đặt ra là làm sao quản lý chất lượng của hàng nhập khẩu, đảm bảo truy vết nguồn gốc xuất xứ ngay trên sản phẩm.

Ông Lê Trung Thành - Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng, Bộ Xây dựng cho biết: “Bộ Xây dựng yêu cầu đánh giá tại nguồn sản xuất, tại nhà máy sản xuất. Bởi những sản phẩm như gạch ốp lát, sứ vệ sinh hay kính xây dựng đều phải được sản xuất ở những nhà máy sản xuất có hệ thống quản lý chất lượng tiêu chuẩn, quy chuẩn đảm bảo”.

Ông Trần Hữu Linh - Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường nhận định: “Chúng tôi cũng đã sớm đệ trình lên Chính phủ sửa đổi, thay đổi mức xử phạt vi phạm hành chính đối với hàng giả theo hướng tăng nặng mức chế tài, xử phạt để ngăn ngừa đối tượng làm hàng giả”.

Người tiêu dùng khó tránh tâm lý "vì rẻ mà mua", nên nguy cơ cao là dễ mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng. Do vậy, ngoài việc tăng cường chế tài xử phạt, cần hoàn thiện hành lang pháp lý để đảm bảo trách nhiệm tuân thủ quy định của pháp luật của doanh nghiệp.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước