ECB có thể tiếp tục tăng mạnh lãi suất
Thị trường châu Âu đang đến gần hơn với một sự kiện rất quan trọng, được mong chờ nhất tuần này, đó là cuộc họp lãi suất của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB).
Tháng 7, ngân hàng này đã đưa ra quyết định tăng lãi suất lần đầu tiên trong hơn 10 năm. Theo các chuyên gia, khả năng ECB lại tiếp tục mạnh tay tăng lãi suất gần như là chắc chắn. Thậm chí, một chuyên gia đến từ ngân hàng Hà Lan ING còn khẳng định, "vấn đề duy nhất" đối với cuộc họp sắp tới của ECB là sẽ tăng lãi suất 50 hay 75 điểm cơ bản. Điều này cho thấy ECB thật sự rất quyết tâm để kiềm chế tình trạng giá cả tăng phi mã như hiện nay.
Hiện kinh tế khu vực này đang có nguy cơ tăng trưởng thấp hơn và tỷ lệ thất nghiệp cao hơn. Tuy nhiên đây là một quyết định ECB cho rằng là "đang nhưng đáng" để có thể kìm hãm lạm phát đang quá nóng.
Theo cập nhật, đồng Euro so với đồng USD vẫn ở mức 0,99 USD đổi 1 Euro, tiếp tục là mức đáy trong vòng 20 năm qua.
Một trong những chi phí khiến người dân châu Âu đau đầu nhất vào lúc này chính là giá năng lượng, gồm tiền điện, tiền khí đốt, sưởi ấm… Một quốc gia không thuộc Liên minh châu Âu (EU) đang đưa ra một giải pháp táo bạo, đó là chính phủ Anh. Tân Thủ tướng Anh Liz Truss quyết định “đóng băng” hóa đơn năng lượng hộ gia đình trong 1 năm rưỡi kể từ mùa đông này.
Tân Thủ tướng Anh "đóng băng" giá điện hộ gia đình
Tân Thủ tướng Anh Liz Truss. (Ảnh: Getty Images)
"Những công ty cung cấp năng lượng sẽ được vay các khoản vay do chính phủ bảo lãnh để thu hẹp khoảng cách giữa giá năng lượng bán buôn trên thị trường và giá cố định mà họ đang bán cho các khách hàng của mình. Các khoản vay đó sẽ được trả dần trong vòng 10 - 20 năm tới thông qua việc bổ sung vào các hóa đơn của khách hàng", đài BBC của Anh đưa ra thông báo. Dự kiến kế hoạch này sẽ tốn khoảng 116 - 151 tỷ USD.
Tân Thủ tướng Truss đã cam kết ngay lập tức giải quyết các hóa đơn năng lượng tăng cao vào tháng tới và đang gây ra cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt cho hàng triệu hộ gia đình, đe dọa sự tồn tại của các doanh nghiệp.
Tuy không còn thuộc EU, nhưng nước Anh cũng là nền kinh tế nhập khẩu năng lượng rất nhiều từ nước ngoài. Một nửa lượng khí đốt sử dụng trên toàn quốc là mua của các thị trường quốc tế, đặc biệt là từ biển Bắc. Giá khí đốt tăng cao do xung đột Nga - Ukraine cũng tác động tới chi phí năng lượng hộ gia đình tại đây. Chưa kể, tỷ lệ lạm phát của Anh đang ở mức cao kỷ lục, thậm chí được dự đoán có thể lên tới 13,3% vào tháng 10 tới.
Bà Liz Truss được cho là kế thừa từ người tiền nhiệm một nền kinh tế đang gặp nhiều thử thách. Bà Liz Truss đang đứng trước một ngưỡng cửa lịch sử khi vào nhiệm kỳ của bà, biểu đồ lạm phát lại bắt đầu đi lên. Để biểu đồ này đi xuống trong những năm bà cầm quyền, bà Truss cần rất nỗ lực.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!