"Tăng tốc" cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia

Vấn đề hôm nay-Thứ sáu, ngày 14/01/2022 06:18 GMT+7

VTV.vn - Theo TS. Đỗ Thiên Anh Tuấn - Chuyên gia kinh tế, con người là điểm mấu chốt trong việc cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Hai ngày sau khi ban hành Nghị quyết 01 về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2022, Chính phủ đã tiếp tục ban hành Nghị quyết 02 về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia với 10 nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm. Mục tiêu là nhằm nâng cao vị trí của nước ta trên các bảng xếp hạng quốc tế về môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh.

Trong đó mục tiêu trong ngắn hạn ngay trong năm 2022 là nâng cao thứ hạng các chỉ số môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh đồng bộ với cải thiện xếp hạng tín nhiệm quốc gia của Moody's, S&P và Fitch & một số mục tiêu khác….

Còn mục tiêu đến năm 2025 với thứ hạng năng lực cạnh tranh hầu hết đều nằm trong nhóm đứng đầu.

Những mục tiêu này được nhấn mạnh tại Nghị quyết 02 của Chính phủ. Và để hiện thực hóa mục tiêu ấy, Chính phủ Chú trọng thực hiện 10 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm:

1. Cắt giảm danh mục ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện và cải cách điều kiện kinh doanh.

2. Tập trung dỡ bỏ rào cản đối với hoạt động đầu tư, kinh doanh do chồng chéo, mâu thuẫn, không hợp lý, khác biệt của các quy định pháp luật.

3. Tiếp tục thúc đẩy cải cách quản lý, kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.

4. Đẩy mạnh cải cách về đăng ký đất đai và đổi mới quản lý hành chính đất đai.

5. Thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp chuyển đổi số theo Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt "Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030" đồng bộ với thực hiện cải cách hành chính.

6. Tăng cường cải cách, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, quy định kinh doanh gắn với đẩy mạnh phân cấp, trao quyền cho địa phương và kiểm tra, giám sát.

7. Đẩy mạnh thực hiện các giải pháp nhằm tạo chuyển biến vững chắc đối với các chỉ tiêu phát triển bền vững.

8. Tiếp tục chú trọng hỗ trợ người dân và doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh, khắc phục các tác động tiêu cực của dịch bệnh COVID-19.

9. Phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo.

10. Đẩy mạnh các hoạt động hợp tác quốc tế gắn với thực hiện cải cách trong nước về môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Theo TS. Đỗ Thiên Anh Tuấn - Chuyên gia kinh tế, Nghị quyết 02 đề ra 8 mục tiêu tổng quát đến năm 2025, cùng hàng chục mục tiêu cụ thể cho năm 2022 này, trong đó bám sát vào các bảng xếp hạng của các tổ chức quốc tế. Bên cạnh đó là giao cho 10 Bộ, cơ quan chủ trì chịu trách nhiệm với các nhóm chỉ số thành phần. Nghị quyết cũng đề ra 10 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm. Cùng với đó là các phụ lục phân công cụ thể cho các Bộ, ngành, địa phương thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp.

"Để thành công thì yếu tố con người vẫn là quyết định, từ lãnh đạo cho đến đội ngũ cán bộ công chức, viên chức phải nắm vững các quan điểm, nguyên tắc cải cách và quy định. Bên cạnh đó là phải có năng lực chuyên môn, tính chuyên nghiệp trong thực thi công vụ. Riêng nhà lãnh đạo phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, năng động, sáng tạo...", TS. Đỗ Thiên Anh Tuấn nhấn mạnh.

Dịch COVID-19 năm vừa qua tác động lớn đến dòng đầu tư nước ngoài khi nhà đầu tư thận trọng hơn tìm điểm đến đầu tư. Nhưng từ đó các dự án đầu tư chất lượng cao được chọn lọc.

Thống kê cho thấy cả nước dự án FDI được cấp mới, giảm 31,1% về số dự án so với năm 2020, nhưng số vốn đăng ký của các dự án mới lại đạt 15,2 tỉ USD, tăng 4,1% so với năm trước. Điều này cho thấy, các dự án quy mô lớn, chất lượng đang dần thay thế các dự án nhỏ. Đi kèm với đó thì môi trường đầu tư cũng phải nâng cao.

Trong những năm qua, thực hiện các Chương trình cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, Chính phủ cùng các Bộ, ngành và địa phương đã nỗ lực tháo gỡ nhiều rào cản, khó khăn vướng mắc, khơi thông nguồn lực trong xã hội nhằm thu hút đầu tư trong và ngoài nước.

Nhờ vậy, Việt Nam được coi là một điểm đến đầu tư hấp dẫn và là nền kinh tế năng động, có độ mở lớn và duy trì tốc độ tăng trưởng thuộc nhóm cao trên thế giới. Bước vào năm 2022, Việt Nam đứng trước rất nhiều thách thức, nhưng cũng sẽ là cơ hội bứt phá nếu chúng ta hiện thực hóa được 10 nhiệm vụ mà Chính phủ ban hành trong Nghị quyết 02.

Cùng theo dõi chương trình Vấn đề hôm nay ngày 13/1 để hiểu rõ hơn những mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp để cải thiện môi trường kinh doanh của Nghị quyết 02 và đâu là những điểm mấu chốt để chúng ta đạt được những mục tiêu cải thiện môi trường kinh doanh & năng lực cạnh tranh quốc gia...

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước