Tạo thuận lợi lưu thông hàng hóa trong thời gian giãn cách

VTV Digital-Thứ năm, ngày 29/07/2021 06:45 GMT+7

VTV.vn - Trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, công tác đảm bảo lưu thông hàng hóa thiết yếu cho người dân đang đứng trước những thách thức mới.

Hiện nay, 11 tỉnh, thành phía Nam đã tăng cường biện pháp giãn cách, yêu cầu người dân không ra đường sau 18h. Để tránh tắc nghẽn lưu thông hàng hóa, Bộ Công Thương đề xuất Thủ tướng Chính phủ chỉ quy định hàng hóa cấm hoặc hạn chế, còn lại vẫn cho lưu thông bình thường. Trong khi các doanh nghiệp vẫn còn loay hoay, khó khăn, giải pháp nào giúp khơi thông hàng hóa?

Sau hơn 1 tuần 19 tỉnh, thành phía Nam thực hiện giãn cách theo nguyên tắc Chỉ thị 16, vấn đề nguồn cung hàng hóa đã được cải thiện với sự vào cuộc quyết liệt của Chính phủ, các bộ ngành và địa phương.

Tuy nhiên khó khăn mới lại phát sinh ở khâu phân phối. Đầu tiên là việc khôi phục lại vai trò chủ lực của các chợ truyền thống không đạt kết quả như mong đợi.

Nhiều chợ truyền thống TP Hồ Chí Minh vừa mở đã đóng

Điển hình tại TP Hồ Chí Minh, vừa cho phép mở cửa trở lại một số chợ truyền thống chưa được bao lâu, việc xuất hiện ca F0 đã khiến các chợ như: Bình Thới, Nguyễn Tri Phương... phải đóng cửa trở lại. TP Hồ Chí Minh giảm số lượng chợ được hoạt động từ 40 hiện xuống chỉ còn 32, chỉ bằng 1/10 số lượng chợ trước dịch.

Tạo thuận lợi lưu thông hàng hóa trong thời gian giãn cách - Ảnh 1.

Tiểu thương ngành thực phẩm khô chợ Nguyễn Tri Phương mở cửa bán hàng sáng 21/7. (Ảnh: NLĐ)

Áp lực phân phối vẫn đè nặng lên các kênh hiện đại, vốn trước khi có dịch, kênh này cũng chỉ tải được 30% lượng hàng đến tay người dân. Áp lực này còn lớn hơn khi đã có 11 tỉnh, thành phía nam và TP Hà Nội triển khai nhiều biện pháp mới tăng cường chống dịch. Rõ nhất là siết chặt hoạt động của đội ngũ tài xế giao hàng (shipper). Có thể thấy, những "cánh tay nối dài" của các chuỗi siêu thị để đưa hàng đến tay người dân buộc phải "thu ngắn" lại.

Loay hoay tìm cách lưu thông hàng hóa

Sau kh TP Hồ Chí Minh siết chặt lượng tài xế giao hàng, chuỗi siêu thị thuộc Tập đoàn Central Retail buộc phải hủy toàn bộ các đơn hàng đã đặt 1 - 2 ngày trước đó. Việc "giải phóng" lượng đơn hàng tồn đọng cũng gặp nhiều khó khăn do các đối tác vận chuyển đã tăng giá đến 20%.

"Một số các đơn vị tăng giá có thể do họ bị thiếu nguồn lực và chi phí phát sinh do phải test nhanh 7 ngày 1 lần. Nó cũng ảnh hưởng đến việc giao hàng cho siêu thị. Mặc dù chúng tôi cũng có đội ngũ giao hàng của siêu thị, nhưng do lượng đơn hàng quá nhiều vì người dân mua hàng qua kênh online, việc giao hết đơn sẽ rất khó khăn", Giám đốc Truyền thông Tập đoàn Central Retail Nguyễn Thị Bích Vân cho hay.

Về phía các doanh nghiệp gọi xe công nghệ, nhiều đơn vị quyết định tạm dừng hoạt động. Các hãng khác lại đang đau đầu tìm cách duy trì, bằng cách cắt giảm 10 - 20% lượng tài xế được phép hoạt động và gửi danh sách đăng ký với Sở Công Thương thành phố. Chỉ khi việc này được hoàn thiện, tình trạng tài xế tắt ứng dụng, không nhận đơn hàng mới giảm được.

"Chúng tôi phải đăng ký tài xế mặc nhận diện đồng phục như thế nào, cộng với QR Code. QR Code thì cơ quan chức năng họ có thể kiểm tra, kết nối. Sau khi quét mã QR sẽ hiện toàn bộ thông tin của tài xế và được đối chiếu với danh sách thành phố đã được cấp phép", ông Đặng Hoàng Linh, Giám đốc Chính sách công và Quan hệ Chính phủ, Gojek Việt Nam, cho biết.

Tình trạng tắc nghẽn trong lưu thông hàng hóa giữa các tỉnh thành vẫn xảy ra cục bộ đối với một số nhà cung ứng hàng thiết yếu gây thêm áp lực lên các chuỗi siêu thị.

"Một số nhà cung cấp của chúng tôi đăng ký khá lâu để cấp mã QR Code nhưng đến nay vẫn chưa có QR Code liên tỉnh, dẫn đến lưu thông hàng hóa đang bị gián đoạn, hoặc một số địa phương khi họ giao đi, quay xe về lại gặp khó khăn khi qua các chốt kiểm soát", ông Nguyễn Ngô Anh Tuấn, Giám đốc Ngành hàng Thực phẩm khô, Lotte Mart Việt Nam, chia sẻ.

Các doanh nghiệp cho rằng, điều cần nhất với họ lúc này là sự linh động trong thực thi các biện pháp chống dịch mới của ngành chức năng, có cơ chế thuận lợi để vẫn giữ được chuỗi cung ứng hàng hóa.

Để gỡ khó, các ngành chức năng hiện cũng đã đẩy nhanh triển khai công tác cấp nhận diện cho shipper. Tại TP Hồ Chí Minh, sau 2 ngày 26 - 27/7, 65.000 shipper và 18 đơn vị vận chuyển hàng hóa đã được Sở Công Thương thành phố cấp và công bố nhận diện. Tương tự, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cũng cho biết có gần 7.000 shipper đã được cấp phép hoạt động.

Đối với việc lưu thông hàng hóa giữa các địa phương, Bộ Công Thương cũng đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ đề xuất một giải pháp, đó là thay vì quy định danh mục những hàng hóa thiết yếu được phép lưu thông như trước, có thể sẽ chỉ quy định hàng hóa cấm hoặc hạn chế, các loại hàng còn lại đều được phép lưu thông bình thường nếu đảm bảo điều kiện chống dịch.

Đề xuất Chính phủ ban hành danh mục hàng hóa "cấm lưu thông"

Xe chở băng vệ sinh, tã, bỉm bị chặn vì không phải hàng thiết yếu. Tuần trước, mặt hàng đồ uống (nước đóng chai, đóng lon, sữa) cũng đã bị một số địa phương xem là không thiết yếu khiến doanh nghiệp không thể giao hàng đến các đại lý bán lẻ.

Trước tình trạng này, Bộ Công Thương có văn bản hỏa tốc gửi Thủ tướng Chính phủ đề xuất Chính phủ ban hành danh mục hàng hóa "cấm lưu thông" thay vì liệt kê danh mục "hàng hóa thiết yếu".

Tạo thuận lợi lưu thông hàng hóa trong thời gian giãn cách - Ảnh 2.

Theo Bộ Giao thông Vận tải, đến nay hệ thống "luồng xanh" đã cấp giấy nhận diện cho gần 37.000 phương tiện. (Ảnh minh họa: PLO)

"Chiếu theo danh mục hàng hóa, dịch cấm kinh doanh, hoặc hạn chế kinh doanh. Có nghĩa những mặt hàng khác không nằm trong danh mục này sẽ được lưu hành. Đây là cách cũng theo tinh thần của Hiến pháp Việt Nam, người dân, doanh nghiệp được phép làm những gì mà pháp luật không cấm. Không phải cái gì cũng phải xin, cũng phải hỏi… cái này tôi có được làm không", Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh.

Trước băn khoăn, liệu đề xuất sẽ chỉ có ý nghĩa trong việc đảm bảo lưu thông hàng một cách thống nhất giữa các địa phương. Còn trong nội bộ quận, huyện từng địa phương, liệu có tình trạng không áp dụng? Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải cũng đã khẳng định: "Thực hiện trên toàn quốc một cách đồng bộ, thống nhất, tránh bất cập như hiện nay là mỗi địa phương hiểu khác nhau, áp dụng khác nhau với cùng một nội dung, như mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu của người dân".

Sáng 28/7, trong cuộc họp về chống dịch COVID-19, với sự tham gia của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, nội dung này đã nhận được sự đồng thuận từ các Bộ, ngành và văn bản sẽ sớm được ban hành trong thời gian tới.

Đề nghị thống nhất tạo thuận lợi lưu thông hàng hóa

Cũng cập nhật thông tin với phóng viên VTV chiều 28/7, lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải cho biết vừa có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đề nghị đồng thuận chỉ đạo, tạo thuận lợi cho các phương tiện vận chuyển hàng hóa thiết yếu tại các khu vực thực hiện theo nguyên tắc Chỉ thị 16.

Cụ thể, thống nhất chỉ đạo các lực lượng chức năng không kiểm tra các phương tiện đã được cấp giấy nhận diện có mã QR Code và lái xe có giấy xét nghiệm âm tính còn hiệu lực. Trường hợp các xe chưa được cấp kịp giấy nhận diện, nhưng lái xe đã có giấy xét nghiệm âm tính thì chỉ kiểm tra giấy xét nghiệm và cho phương tiện lưu thông ngay.

Cũng theo Bộ Giao thông Vận tải, đến nay hệ thống "luồng xanh" đã cấp giấy nhận diện cho gần 37.000 phương tiện. Tuy nhiên, vẫn còn một số phương tiện chưa được cấp mã do hệ thống phần mềm liên tục bị tấn công từ sáng ngày 26/7, làm ảnh hưởng đến việc phục vụ vận tải hàng hóa thiết yếu.

Ngoài các giải pháp gỡ khó cho các kênh phân phối chủ lực, việc tiếp tục khai thác dư địa, nâng cao năng lực phân phối của các kênh mới như thương mại điện tử cũng là nhóm giải pháp quan trọng trong thời điểm này. Thực tế sau một thời gian ngắn, kênh phân phối mới này đã phần nào phát huy tính hiệu quả, góp phần giảm tải áp lực lưu thông hàng hóa.

Nâng cao năng lực phân phối của kênh trực tuyến

Tham gia chương trình ngành công thương TP Hồ Chí Minh phối hợp với các sàn thương mại điện tử, siêu thị bán rau củ An Home Mart được sàn cắt giảm quy trình, hoàn thành việc mở gian hàng chỉ trong 1 ngày. Gần 2 tuần nay, lượng đơn hàng mỗi ngày ít nhất 100 đơn.

Sau khi có quy định siết shipper, sàn thương mại điện tử cũng linh động thay đổi quy trình giao vận, thay vì để từng shipper đến lấy, tập kết hàng bằng xe tải, không làm gián đoạn việc giao hàng.

"Họ cử xe tải qua chỗ mình, ly tất cả đơn mà trước đó mình đã sắp xếp với khách để chở về kho tổng phân phối trong ngày. Quy trình như vậy giúp mình kiểm soát được tốt về số lượng và chất lượng, chứ book shipper thời điểm hiện tại rất khó khăn", Giám đốc gian hàng An Home Mart Phạm Linh Chi cho biết.

Cắt giảm tối đa các khâu phân phối trung gian không thật cần thiết, thậm chí sàn đứng ra phân phối trực tiếp nông sản từ vườn, hợp tác xã... là cách làm chung của các chợ trực tuyến lúc này.

"Chúng tôi là cầu nối để giúp đưa những nguồn cung ứng rau, củ, quả từ các thành phố khác đến với các doanh nghiệp nhỏ lẻ tại TP Hồ Chí Minh, cũng như đến người dân", bà Đoàn Trang Hà Thanh, Quản lý cấp cao Ngành hàng Bách hóa, Lazada Việt Nam, cho hay.

Một mô hình phân phối hàng hóa thành công khác, đó là tận dụng nền tảng thương mại điện tử của các tập đoàn bưu chính lớn. Nhóm này vốn lợi thế là mạng lưới cửa hàng, hệ thống giao vận có sẵn tại hầu hết các tỉnh.

Chỉ riêng một hệ thống bưu điện, tính đến nay đã phân phối gần 760 tấn hàng hóa thiết yếu tại các địa phương đang áp dụng giãn cách theo nguyên tắc Chỉ thị 16. Riêng tại TP Hồ Chí Minh đã là hơn 580 tấn. Đáng chú ý, 2/3 sản lượng đơn hàng hiện tại đều qua trực tuyến, còn lại là qua điểm bán lưu động.

Tạo thuận lợi lưu thông hàng hóa trong thời gian giãn cách - Ảnh 3.

Giới chuyên gia cho rằng cần đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine COVID-19 cho nhóm đối tượng là các shipper. (Ảnh minh họa: NLĐ)

"Quy trình của chúng tôi thay đổi, giờ giấc của chúng tôi đảo lộn. Trước đây, chúng tôi làm giờ hành chính, giờ chúng tôi hoạt động về đêm. Tất cả lực lượng của chúng tôi đều ăn ngủ nghỉ tại đơn vị", bà Cao Cẩm Linh, Giám đốc Chiến lược Viettel Post, Voso.vn, cho biết.

Theo bà Linh, ngay cả trong trường hợp quy định mỗi shipper chỉ được hoạt động trong địa bàn 1 quận, huyện, nhóm doanh nghiệp bưu chính vẫn không bị gián đoạn cung ứng. Do mỗi địa bàn quận, huyện đều đã có sẵn nhân lực và điểm bán.

Về dài hạn hơn, giới chuyên gia cho rằng cần đẩy nhanh hơn nữa tiến độ tiêm vaccine COVID-19 cho nhóm đối tượng là các shipper, bởi đây là mắt xích rất quan trọng trong chuỗi cung ứng hàng hóa thời điểm này.

Tại buổi làm việc giữa Bộ Công Thương, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức chiều 28/7, đại diện lãnh đạo 2 Bộ đều đồng thuận quan điểm phải duy trì được đội ngũ shipper. Để làm được điều này cần sự chung tay của các sàn thương mại điện tử, các doanh nghiệp để sớm thống kê lực lượng giao hàng, từ đó tập trung ưu tiên tiêm vaccine cho đội ngũ này.

4 nhóm hàng hóa thiết yếu được lưu thông trong những ngày giãn cách 4 nhóm hàng hóa thiết yếu được lưu thông trong những ngày giãn cách

VTV.vn - Bộ Công Thương đã có hướng dẫn mới nhất về hàng hóa nào được coi là hàng thiết yếu và được phép lưu thông.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước