Thận trọng khi kích cầu du lịch nội địa lần thứ 2

VTV Digital-Thứ sáu, ngày 25/09/2020 06:00 GMT+7

VTV.vn - Khi sức khỏe doanh nghiệp đang suy yếu, kịch bản kích cầu du lịch nội địa lần 2 cần được phác thảo như thế nào?

Thời điểm này, khi cao điểm của dịch bệnh đã qua, vấn đề về kích cầu thị trường nội địa để tiến tới khôi phục ngành du lịch - một trong những ngành chịu ảnh hưởng nặng nề nhất vì đại dịch, lại một lần nữa được nhắc đến nhiều trở lại. Chỉ trong 1 tuần trở lại đây, các hãng hàng không liên tiếp công bố các thông tin khai thác trở lại các đường bay từ Đà Nẵng, Hải Phòng hay Vinh...

Hãng hàng không quốc gia Việt Nam công bố, trong ngày 21/9, hãng ghi nhận sản lượng vận chuyển khách bay nội địa đạt gần 40 nghìn lượt khách, tăng hơn 12% so với cùng kỳ ngoái. Một con số khích lệ trong bối cảnh hàng không bị sụt giảm nghiêm trọng vì dịch bệnh. Các tín hiệu này cũng cho thấy, đây đã là thời điểm thích hợp để nói đến việc kích cầu du lịch nội địa.

Thận trọng khi kích cầu du lịch nội địa lần thứ 2 - Ảnh 1.

Kịch bản kích cầu du lịch nội địa trong bối cảnh mới

Khi bối cảnh thị trường, nhu cầu du lịch của người dân đã thay đổi sâu sắc, kịch bản kích cầu lần 2 này cần được triển khai ra sao cho phù hợp với tình hình mới? Đã có nhiều giải pháp, kịch bản được đưa ra trong buổi Tọa đàm "Kích cầu du lịch nội địa - Trải nghiệm Việt Nam an toàn, hấp dẫn" do Tổng cục Du lịch vừa tổ chức chiều 24/9.

Giá tour du lịch vẫn rẻ nhưng có thêm những giá trị mới, đó là những sản phẩm, combo khác lạ công ty du lịch này xây dựng cho đợt kích cầu du lịch đợt 2.

Bà Nguyễn Thị Lê Hương - Phó Tổng Giám đốc Công ty du lịch Viettravel, cho biết: "Rất nhiều sản phẩm, combo để giới trẻ với thông điệp là stay cation. Đó nghĩa là được trải nghiệm dịch vụ theo ý thích riêng của mình. Mỗi chuyến đi không có lịch trình trước và mọi người đến đó để cảm thấy được nghỉ dưỡng".

Tiếp tục giảm giá hay tái sử dụng những gói sẵn có sẽ không còn hấp dẫn, thu hút được khách như đợt 1 do đã cuối mùa hè là mùa cao điểm du lịch trong năm. Kích cầu đợt 2 phải tập trung vào những sản phẩm mới và chú trọng liên kết vùng bởi khách du lịch thường đi nhiều điểm trong mỗi chuyến đi.

Ông Nguyễn Thế Bình, Chủ tịch Hiệp hội Lữ hành Việt Nam, cho biết: "Các sản phẩm du lịch của đợt 2 này cần chuẩn bị kĩ càng hơn, chúng ta sẽ tạo ra những liên kết vùng, để đảm bảo là những chuỗi sản phẩm đó gắn bó với nhau".

Bên cạnh sản phẩm tốt, Tổng cục Du lịch khẳng định, điểm đến phải an toàn, hấp dẫn mới có thể thu hút du khách. Để kích cầu du lịch nội địa lần 2 thành công, cần có sự chung tay của cả địa phương, doanh nghiệp du lịch và các đơn vị hàng không lữ hành.

Ông Hà Văn Siêu, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, nói: "Một liên minh tốt sẽ tạo ra giá, rất hấp dẫn. Giá tốt kèm theo chất lượng nhưng phải cộng với hỗ trợ của chính quyền địa phương, nhà nước thì sự hấp dẫn đó mới đảm bảo được thực thi".

Vai trò của địa phương được đặc biệt nâng cao với việc hỗ trợ doanh nghiệp du lịch, giảm phí tham quan, vé, lệ phí hoạt động. Đây là sự chia sẻ ý nghĩa với hàng loạt doanh nghiệp du lịch đang phải đối mặt với khó khăn do dịch bệnh.

Theo số liệu mà Bộ Văn hóa Thể thao du lịch phát đi trong tháng 9, sau khi trải qua hai đợt cao điểm dịch bệnh, hiện 95% doanh nghiệp lữ hành - nghĩa là các doanh nghiệp trực tiếp làm dịch vụ tour cho khách, đã tạm dừng hoạt động. Trong khi đó, tại một số địa phương như Hà Nội hay TP. HCM, công suất phòng của các doanh nghiệp lưu trú, khách sạn hiện chỉ đạt 10%.

Thận trọng khi kích cầu du lịch nội địa lần thứ 2 - Ảnh 2.

Ngay cả với những ông lớn đầu ngành cũng đang cho thấy tình trạng sức khỏe suy yếu vì dịch. Qua nửa đầu năm, Vietravel ghi nhận mức lợi nhuận sau thuế âm gần 74 tỷ đồng, tương đương mức giảm gần 370% so với cùng kỳ năm ngoái trong khi Saigontourist cũng lỗ ròng hơn 180 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2020.

Khi mà tình trạng sức khỏe đã suy yếu, thì việc kích cầu, đồng nghĩa với ít nhiều phải chi đầu tư cho các hoạt động marketing khuyến mãi giảm giá... đối với nhiều doanh nghiệp sẽ là một bài toán khó trong thời điểm này. Đặc biệt là khi mùa cao điểm nhất trong năm của du lịch đã qua...

Nguy cơ khi kích cầu không "lượng sức"

Theo đơn vị nghiên cứu thị trường Outbox Consulting, đợt bùng phát dịch thứ 2 đã khiến các doanh nghiệp du lịch bỏ lỡ thời gian cao điểm du lịch hè tháng 7 - tháng 8. Từ giờ đến cuối năm dự báo chỉ sẽ chứng kiến mức cầu tăng nhẹ vào tháng 10. Thêm vào đó, số tiền của số đông người dân càng thắt chặt hơn khi trải qua 2 đợt bùng phát dịch, mà mùa chi tiêu cho cuối năm lại đến gần. Các doanh nghiệp nếu không cân đối kĩ các yếu tố này khi làm kích cầu, sẽ đối mặt với rủi ro lớn.

Ông Đặng Mạnh Phước, Giám đốc Công ty Nghiên cứu thị trường du lịch Outbox Consulting, cho biết: "Trong mọi trường hợp, chúng ta có thể thấy mùa du lịch cao điểm ở đợt thứ 2 này không có nhiều dấu hiệu lạc quan. Người ta vẫn sẽ đi du lịch nhưng chỉ ở quy mô nhỏ, gia đình, cá nhân... Xét về bối cảnh toàn ngành, sự tăng trưởng sẽ không lớn. Nếu chúng ta quá lạc quan vào việc này và đưa ra các chính sách mạnh dạn về tài chính, chấp nhận cắt giảm lợi nhuận thì không chỉ không đạt được hiệu quả mà còn chịu những ảnh hưởng tài chính về lâu dài".

Thận trọng khi kích cầu du lịch nội địa lần thứ 2 - Ảnh 3.

Một nguy cơ nữa mà các doanh nghiệp phải đối mặt khi kích cầu, đó là thiếu hụt nguồn cung. Trải qua 2 đợt cao điểm dịch, hiện nay nhiều khách sạn này đang được rao bán với mức giá hàng chục triệu USD. Giới môi giới bất động sản cho rằng họ đang chứng kiến một làn sóng rao bán khách sạn mạnh nhất tại Việt Nam trong 10 năm trở lại đây. Điều này đặt ra nguy cơ: Khi mà chúng ta kích cầu và lôi kéo khách trở lại, đâu sẽ là nơi đón tiếp họ?

Không chỉ là nguy cơ thiếu hụt cơ sở lưu trú, mà nguồn nhân lực cho khôi phục du lịch cũng là vấn đề cần được đặt ra ngay từ thời điểm này. Khảo sát mới của Ban Nghiên cứu Phát triển Kinh tế Tư nhân cho biết gần phân nửa số doanh nghiệp cho biết phải cắt giảm lao động. Thậm chí, phần lớn doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ làm dịch vụ đại lý tour, bán vé đã sa thải toàn bộ 100% lao động của mình.

Ông Ngô Minh Đức, Chủ tịch HG Holdings, Thành viên Hội đồng Tư vấn Du lịch, cho biết: "Nhiều doanh nghiệp thực sự khó khăn, tê liệt, phá sản... Khách sạn bị rao bán rất nhiều. Một trong những thách thức lớn nhất của ngành du lịch đó là mất nhân sự và khi quay lại chúng ta sẽ thiếu nguồn nhân sự để phục vụ khách. Đó là thực tế mà Chính phủ và ngành du lịch phải đau dầu suy nghĩ".

Giới chuyên gia nhận định, "lượng sức" sẽ là từ khóa mà doanh nghiệp nên ghi nhớ khi lên kế hoạch kích cầu du lịch cho lần thứ 2 này. Khác với lần kích cầu trước đó, rủi ro về thị trường hiện nay đã cao hơn nhiều.

Hiện nay các kịch bản kích cầu du lịch đang hướng về thị trường nội địa trong ngắn hạn. Còn với thị trường khách quốc tế, dù còn quá lạc quan để nói đến việc quay trở lại trong thời điểm này, nhưng giới du lịch cho rằng đây đã là thời điểm thích hợp để các doanh nghiệp nghiên cứu, lên kế hoạch chiến lược để đón đầu khách quốc tế trở lại trong trung - dài hạn. Phải nghiên cứu là bởi cũng như người Việt, xu hướng tiêu dùng của người dân các nước khác cũng đã thay đổi mạnh mẽ trong khi khách quốc tế chiếm đến một nửa doanh thu toàn ngành. Kích cầu thị trường nội địa không phải là việc duy nhất mà doanh nghiệp có thể làm trong giai đoạn này.

Kích cầu du lịch nội địa với thông điệp “an toàn, hấp dẫn” Kích cầu du lịch nội địa với thông điệp “an toàn, hấp dẫn”

VTV.vn - Trong bối cảnh dịch COVID-19 trong nước cơ bản được kiểm soát, Bộ VHTT&DL tiếp tục phát động chương trình kích cầu du lịch với chủ đề “Du lịch Việt Nam an toàn, hấp dẫn.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước