Bộ Công Thương cho biết nếu như năm 2010, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng bình quân đầu người của cả nước chỉ ở mức 19,3 triệu đồng/người, đến 2019 đã lên 51,2 triệu đồng/người, đóng góp xấp xỉ 8% vào tổng sản phẩm quốc nội (GDP).
Chính vì vậy, thị trường bán lẻ hiện đại Việt Nam có nhiều tiềm năng phát triển do quy mô dân số lớn, cơ cấu dân số trẻ và chi tiêu hộ gia đình tăng trung bình 10,5%/năm...
Báo cáo mới đây của một số công ty nghiên cứu thị trường cho thấy, ngành bán lẻ Việt Nam thời gian qua đã mở cửa đón sự xuất hiện của một số thương hiệu bán lẻ đình đám từ nước ngoài với nhiều chuỗi cửa hàng như Uniqlo, GG25…
Nhiều chuyên gia nhận định, Việt Nam còn có nền chính trị ổn định, đang trên đà tăng trưởng và hội nhập với độ mở kinh tế cao, kiểm soát tốt dịch bệnh nên được coi là điểm sáng đầu tư tại khu vực ASEAN và châu Á cũng như điểm đến thu hút của cuộc dịch chuyển thị trường đầu tư.
Vì thế, theo giới phân tích, Việt Nam đang nắm trong tay "cơ hội vàng" chuẩn bị đón chờ làn sóng đầu tư FDI và bán lẻ không nằm ngoại lệ trước làn sóng đầu tư sắp tới.
Với dự báo là thị trường sôi động nhất thế giới, thị trường bán lẻ Việt Nam đang thu hút được làn sóng đầu tư nước ngoài (FDI), tuy nhiên cũng tạo ra nhiều thách thức cho các doanh nghiệp nội địa.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!