Pháp luật đã có quy định doanh nghiệp đăng ký mới không được lấy tên trùng hoặc tên gây nhầm lẫn với tên của các doanh nghiệp đã được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ. Tuy nhiên, thực tế vẫn nhiều DN bị trùng tên và được cấp phép.
Năm 2014, Công ty cổ phần Tập đoàn Thành Hưng đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp nhãn hiệu "Thành Hưng" bảo hộ độc quyền trong lĩnh vực vận tải trên toàn quốc, nhưng ngay sau đó, Sở Kế hoạch - Đầu tư TP Hà Nội vẫn tiếp tục cấp giấy đăng ký kinh doanh cho 3 DN khác mang tên này cũng trong lĩnh vực vận tải. Sau khi được cấp tên trùng nhau, có DN còn lấy cả logo, hình ảnh trên trang website của công ty này để quảng cáo cho mình.
Tương tự, dù đã được Cục Sở hữu trí tuệ bảo hộ tên thương mại, nhưng Hội đồng Anh Việt Nam vẫn mất cả nửa năm để đi đòi lại thương hiệu khi bỗng dưng xuất hiện một công ty có tên là Hội đồng Anh Hà Nội.
Theo đại diện Sở Kế hoạch - Đầu tư TP Hà Nội, thời gian qua, Sở này cũng nhận được không ít kiến nghị của DN về việc cấp trùng tên thương mại đã được bảo hộ. Tuy nhiên, đây là việc khó có thể tránh khỏi bởi việc cấp quyền sở hữu trí tuệ thuộc Bộ Khoa học - Công nghệ, còn cấp giấy phép kinh doanh thuộc Bộ Kế hoạch - Đầu tư trong khi hai Bộ hiện nay vẫn chưa có phần mềm kết nối liên thông.
Hiện nay, cơ quan đăng ký kinh doanh chỉ mất 3 ngày để cấp giấy phép thành lập cho một doanh nghiệp nhưng lại phải mất tới 6 tháng đến 1 năm để giải quyết các vụ tranh chấp tên thương hiệu. Do vậy, tránh tình trạng như hiện nay, luật sư Hoàng Kim Dung cho rằng rất cần sự kết nối giữa hai Bộ trên.
Hiện Công ty CP Tập đoàn Thành Hưng đang chuẩn bị hồ sơ để đòi lại tên thương mại tại địa bàn Hà Nội. Tuy nhiên, DN này cũng chưa biết khi nào mới thành công bởi năm 2015, DN cũng đã từng kiến nghị tới Sở Kế hoạch - Đầu tư TP.HCM về việc 3 DN trên địa bàn này được cấp trùng tên nhưng đến nay có DN vẫn chưa đổi tên.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!