Vận chuyển hàng hóa bằng đường thủy có mức chi phí thấp so với lưu thông đường bộ. Thế nhưng, do hạn chế về năng lực cảng biển, phần lớn lượng hàng hóa xuất nhập khẩu của vùng ĐBSCL hiện vẫn phải thông qua hệ thống cảng ở TP.HCM và Đông Nam Bộ. Việc thiếu một cảng đầu mối có thể xuất nhập khẩu trực tiếp hàng hóa đã làm hạn chế sức cạnh tranh của doanh nghiệp và xa hơn là nền kinh tế của cả vùng.
Doanh nghiệp Trung An, một trong những doanh nghiệp xuất khẩu gạo lớn tại thành phố Cần Thơ, do cảng biển trong khu vực không đáp ứng nên 95% lượng gạo xuất khẩu của đơn vị phải trung chuyển lên các cảng TP.HCM. Với chi phí tăng thêm từ 5 – 10 USD/tấn, mỗi năm doanh nghiệp đã phải tốn thêm phí vận chuyển từ 500.000 - 1.000.000 USD.
Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, cụm cảng Cần Thơ là nơi lý tưởng nhất để phát triển thành một cảng đầu mối xuất khẩu trực tiếp cho cả vùng. Ngoài khả năng tiếp nhận tàu biển lên đến 20.000 tấn, không bị ảnh hưởng bởi tĩnh không cầu, cảng Cần Thơ còn nằm ngay trung tâm đồng bằng với cự ly đến các tỉnh dưới 200km. Tuy vậy, hàng hóa thông qua 3 cảng năm 2015 gần 3 triệu tấn, chỉ bằng 30% công suất thiết kế.
Hiện, các điều kiện cần thiết đã có, chỉ thiếu mỗi nút thắt ngay cửa biển. Đó là lý do khiến nơi phù hợp nhất để trở thành cảng đầu mối của cả vùng vẫn loay hoay với bao dự định trên giấy. Đến thời điểm hiện tại, phần lớn hàng hóa xuất nhập khẩu trực tiếp từ các cảng vùng ĐBSCL là vận chuyển bằng tàu thuê chuyến. Cước phí tăng gấp đôi nên doanh nghiệp mất hẳn lợi thế cạnh tranh.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!