Cuộc họp quan trọng của OPEC và các nước cung cấp dầu lớn trên thế giới sắp diễn ra tuần này nhưng sát thềm vẫn chưa có dấu hiệu nào cho thấy các nước tham gia sẽ đạt được một thoả hiệp thống nhất về tăng sản lượng, giải quyết việc nhu cầu lớn và giá dầu ở ngưỡng cao hiện nay. Trong khi đó, vấn đề thời báo tài chính Financial Times của Anh cho là sống còn với các nhà sản xuất dầu lại đến từ một yếu tố ít được đề cập trên thị trường.
"Câu hỏi sống còn với các nhà sản xuất dầu" - là tựa đề trên Financial Times. Tất cả các nhà cung cấp dầu không nghi ngờ việc sẽ có một thời điểm nhu cầu tiêu thụ dầu trên thế giới đạt tới đỉnh và sau đó sẽ là sự thoái trào của dạng năng lượng hoá thạch này, tất nhiên kéo theo đó là một chu kỳ giá giảm. Đây là tương lai được các nhà sản xuất dầu dự báo trước nhưng câu hỏi ở đây là thời điểm đó sẽ rơi vào lúc nào.
Việc tính toán thời điểm nhu cầu trên thị trường dầu đạt đỉnh quyết định sống còn với chiến lược hoạt động hiện nay của các doanh nghiệp sản xuất năng lượng. Và câu trả lời cho yếu tố đỉnh nhu cầu này đang rất khác nhau.
Nhiều chuyên gia cho rằng, nó sẽ diễn ra sớm, chỉ vào khoảng những năm 2020. Nguyên nhân do các vấn đề liên quan đến biến đổi khí hậu, các nước phát triển sẽ sớm thực hiện nhiều chuyển đổi từ sử dụng năng lượng hoá thạch như dầu, sang các loại năng lượng bền vững hơn như năng lượng điện hoặc năng lượng tái tạo trong đời sống. Nhiều ý kiến khác cho rằng sẽ phải đến tận tầm 2070 với lập luận là trong vài chục năm nữa, nhu cầu dầu sẽ vẫn tăng đều ở châu Á và châu Phi.
Shell hay BP, các nhà sản xuất năng lượng hàng đầu thế giới, đang nằm trong nhóm tỏ ra e dè với việc tăng sản lượng. Theo quan điểm cụ thể của các đại gia này, việc ký một dự án mỏ mới mất từ 20 - 25 năm mới cho ra kết quả kinh doanh, vào thời điểm này là quá mạo hiểm.
Trong bối cảnh tương lai đỉnh nhu cầu của dầu còn gây tranh cãi, tiếng nói của các nhà đầu tư rót vốn vào doanh nghiệp năng lượng đang được xem là giữ vị trí chi phối quyết định. Đa số các quỹ rót vốn đang giữ quan điểm không nên quá quan tâm đến chuyện giá dầu cao nhất thời hiện nay mà quyết định tăng sản lượng, thay vào đó nên chuẩn bị sẵn chiến lược cho giai đoạn dầu rơi vào vùng giảm. Mọi kế hoạch đầu tư trên 10 năm đều không được hoan nghênh. Cùng lúc đó, hiện nhiều người đã bắt đầu thấy Shell hay BP chuyển một phần đầu tư vào dòng năng lượng tái tạo.
Thị trường dầu được dự đoán sẽ rơi vào một điểm "thắt cổ chai" vì chiến lược rụt rè đầu tư của các doanh nghiệp. Theo dự đoán, ít nhất 10 năm nữa thế giới sẽ chưa phổ biến xe chạy điện, tức nhu cầu tiêu thụ sẽ vẫn tăng như hiện tại. Nhưng nếu các doanh nghiệp không mở thêm dự án, các giếng dầu hiện tại đang khai thác được cho là không thể đủ đáp ứng nhu cầu theo đà tăng hiện nay của thị trường.
Những tranh cãi từ các doanh nghiệp khai thác dầu cũng không khác nhiều với không khí đang nóng lên từng ngày khi càng sát đến phiên họp của OPEC ở Áo vào ngày 22/6. Trong khi vẫn chưa có dấu hiệu ngã ngũ về quan điểm là có nhất thiết phải nới rộng nguồn cung nếu chỉ vì những biến động giá gần đây không, từ phía các doanh nghiệp trực tiếp khai thác lại cho một cái nhìn khác báo hiệu một nguy cơ tiềm ẩn lâu dài hơn với thị trường dầu.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!