Thúc đẩy đầu tư công: Cần sự cộng hưởng của cả hệ thống

Ban Thời sự-Thứ tư, ngày 15/07/2020 20:18 GMT+7

VTV.vn - Để đẩy nhanh đầu tư công, sự quyết liệt không chỉ đến từ người đứng đầu, mà phải là sự cộng hưởng của cả hệ thống trong quá trình này.

Dự kiến, tổng vốn đầu tư từ nguồn ngân sách trong năm 2020 là gần 700.000 tỷ đồng. Sau 6 tháng, con số thực hiện mới đạt khoảng trên 154.000 tỷ đồng, trong khi mức giải ngân chỉ đạt hơn 122.000 tỷ đồng. Cho dù mức này so với cùng kỳ là cao nhất trong giai đoạn 5 năm, nhưng so với dự toán năm, tỷ lệ hoàn thành chỉ hơn 33%, mức thấp nhất từ năm 2007, còn mức giải ngân chỉ đạt gần 20% kế hoạch.

Chậm thực hiện vốn đầu tư công thực tế là vấn đề không mới và đã tái diễn trong nhiều năm. Lý do có nhiều, nhưng nhìn lại 6 tháng, có những địa phương nổi bật về kết quả thực hiện và có những nơi rất chậm. Cùng những khó khăn chung, nhưng kết quả lại khác nhau.

Thúc đẩy đầu tư công: Cần sự cộng hưởng của cả hệ thống - Ảnh 1.

Công tác giải ngân đầu tư công ở các địa phương đã có những đổi mới.

Quy trình đầu tư công phải qua 8 khâu, trong đó vai trò xuyên suốt ở hầu như tất cả các khâu là các bộ ngành, địa phương. Thực tế, 7/8 bước đều là công việc của bộ ngành, địa phương có sử dụng nguồn đầu tư công. Thời gian từ lúc lên ý tưởng dự án cho đến khi thực hiện giải ngân, khoản vốn đầu tiên phải mất từ khoảng 6 tháng đến 1 năm. Thời gian nhanh hay chậm phụ thuộc vào yếu tố quy mô dự án, năng lực trình độ của các bên liên quan như: tư vấn, ban quản lý dự án, cán bộ chuyên môn. Công tác chỉ đạo điều hành, lãnh đạo của người đứng đầu, lãnh đạo đơn vị có sâu sát, quyết liệt hay không trong cả quá trình này. Điều này cũng bao gồm khả năng xử lý, giải quyết phối hợp các vấn đề phát sinh.

Quy trình đầu tư công

1. Ý tưởng dự án: Bộ ngành, địa phương;

2. Chuẩn bị đầu tư để lập, thẩm định phê duyệt chủ trương đầu tư: Bộ ngành, địa phương;

3. Trình cấp có thẩm quyền bổ sung vào kế hoạch trung hạn: Bộ KH&ĐT rà soát;

4. Lập thẩm định phê duyệt dự án: Bộ ngành, địa phương;

5. Giao kế hoạch hàng năm để thực hiện: Bộ ngành, địa phương;

6. Giải phóng mặt bằng: Bộ ngành, địa phương;

7. Đấu thầu thi công xây dựng: Bộ ngành, địa phương;

8. Thanh toán, giải ngân tại kho bạc: Bộ ngành, địa phương, Kho bạc Nhà nước.

Kết thúc 6 tháng đầu năm, 7 địa phương có tiến độ giải ngân đầu tư công chỉ đạt dưới 20% kế hoạch năm. Tuy nhiên, đã có những địa phương đổi mới cách làm, chuyển từ họp định kỳ sang họp thường xuyên giữa UBND và HĐND để triển khai các dự án; hay việc gắn trách nhiệm cá nhân ở từng cấp, từng giai đoạn về giải phóng mặt bằng đã tạo sự chuyển biến đáng kể trong công tác giải ngân vốn đầu tư công, tránh tình trạng "đầu năm thảnh thơi, cuối năm vất vả".

Đổi mới trong giải ngân đầu tư công ở địa phương

Ngay sau khi được bàn giao làm chủ đầu tư cao tốc Bắc - Nam đoạn Cao Bồ - Mai Sơn, tỉnh Ninh Bình đã tập trung cho công tác giải phóng mặt bằng. Chính vì vậy, tỉnh Ninh Bình đã bắt đầu thi công cao tốc từ cuối năm 2019, nhưng đến nay các hạng mục chính đã cơ bản hoàn thành.

Cho đến thời điểm này, tỉnh Ninh Bình đã giải ngân được khoảng 72% vốn đầu tư công, trong tổng số khoảng 3.000 tỷ đồng. Ninh Bình là một trong những địa phương có kết quả giải ngân cao nhất cả nước. Địa phương này cam kết sẽ hoàn thành giải ngân 100% vốn đầu tư công trong năm nay, thậm chí có thể về đích sớm hơn, vào khoảng tháng 10 tới.

Thúc đẩy đầu tư công: Cần sự cộng hưởng của cả hệ thống - Ảnh 2.

Kết thúc 6 tháng đầu năm, 7 địa phương có tiến độ giải ngân đầu tư công chỉ đạt dưới 20% kế hoạch năm.

Công tác giải ngân đầu tư công ở các địa phương đã có đổi mới, từ việc hoàn thành sớm thủ tục, chuyển từ họp định kỳ sang họp thường xuyên giữa ủy ban nhân dân và hội đồng nhân dân để quyết định ngay những vấn đề liên quan đến triển khai dự án.

Nhiều bước trung gian đã được gỡ bỏ trong Luật Đầu tư công sửa đổi. Theo đó, các đơn vị sẽ chủ động hơn về nguồn vốn theo phương án phân bổ vốn đầu tư công trung hạn 5 năm. Vấn đề là các bộ, ngành, địa phương phải lựa chọn thứ tự ưu tiên, tính toán hiệu quả và cân đối từng dự án.

Trách nhiệm người đứng đầu

Người đứng đầu các bộ, cơ quan trung ương và địa phương chịu trách nhiệm toàn diện trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc không đảm bảo tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư năm 2020 tại bộ, cơ quan trung ương, địa phương mình. Đây là chỉ đạo mới nhất của Thủ tướng Chính phủ. Khi người đứng đầu thấy sốt ruột, lo lắng để sâu sát, quyết liệt trong thúc đẩy đầu tư công và giải ngân đầu tư công, những vướng mắc nhanh nhất và sáng tạo nhất mới được tháo gỡ.

Dự án đường Văn Cao - Hồ Tây đã thi công 13 năm, qua 3 nhiệm kỳ, đến nay vẫn dở dang. Nút thắt chính là giải phóng mặt bằng và chỉ khi công tác giải phóng mặt bằng do chủ tịch ủy ban nhân dân thành phố trực tiếp chỉ đạo, tiến độ mới được đẩy mạnh. Hy vọng đến cuối năm nay, dự án sẽ được hoàn thành.

Vẫn những khó khăn đó nhưng nếu chỉ chờ đợi mà không đi tìm hiểu cụ thể, không có cách làm quyết liệt để gỡ các nút thắt thì không chỉ dự án kéo dài nhiều năm, một con đường bị cắt ngang dang dở, mà sẽ là sự đình trệ nhiều mặt. Tâm lý e ngại chính là lực cản lớn nhất khiến dòng vốn đầu tư công tắc ở các khâu, các bước.

Thúc đẩy đầu tư công: Cần sự cộng hưởng của cả hệ thống - Ảnh 3.

Chậm thực hiện vốn đầu tư công thực tế là vấn đề không mới và đã tái diễn trong nhiều năm.

Luật Đầu tư công sửa đổi đã trao nhiều quyền quyết định hơn cho địa phương, bộ ngành. Nếu trước đây, các bộ ngành, địa phương phải báo cáo việc điều chuyển vốn từ dự án này sang dự án khác và có ý kiến từ trung ương thì nay có thể tự quyết định. Chính vì vậy, trách nhiệm của người đứng đầu lại càng lớn hơn, không chỉ thúc đẩy ở bước cuối giải ngân, mà phải từ ngay những bước đầu tiên.

Để đẩy nhanh đầu tư công, sự năng động, quyết liệt không chỉ đến từ một người đứng đầu, mà phải là sự cộng hưởng của cả hệ thống, từ các vị trí chuyên môn, các bên liên quan trong quá trình này. Tuy nhiên nếu muốn lan tỏa tinh thần sáng tạo, sự quyết tâm thì người đứng đầu không thể thiếu lửa.

Ngày mai (16/7), Thủ tướng Chính phủ sẽ chủ trì cuộc họp trực tuyến thường trực chính phủ với các bộ ngành trong cả nước để thúc đẩy đầu tư công cuối năm. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định người đứng đầu phải chịu trách nhiệm toàn diện cho cả quá trình đầu tư công, sẽ có kỷ luật và khen thưởng các bộ, địa phương. Tuy nhiên, không chỉ là khen thưởng hay kỷ luật, mà người đứng đầu các bộ ngành, địa phương phải nhìn vào 60% của 700.000 tỷ đồng đang cần được giải ngân trong năm nay là động lực, là cơ hội của chính mình và của cả nền kinh tế để quyết liệt tháo gỡ những nút thắt của dòng vốn quan trọng này.

Gỡ khó trong giải ngân vốn đầu tư công ở Bình Thuận Gỡ khó trong giải ngân vốn đầu tư công ở Bình Thuận

VTV.vn - Bình Thuận có nhiều dự án đầu tư công và từ nguồn vốn xã hội đang được đẩy nhanh tiến độ; đặc biệt, công tác giải phóng mặt bằng, bồi thường, tái định cư là điểm sáng.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước