Mặc dù còn nhiều khó khăn trong năm qua, nhưng những tín hiệu tích cực thị trường phát đi trong tuần giao dịch cuối cùng của năm Nhâm Dần đem lại nhiều kỳ vọng cho một năm Quý Mão 2023 khởi sắc hơn, qua đó mang lại cho nhà đầu tư những cơ hội đầu tư mới. Đây là nhận định của nhóm phân tích tới từ Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS).
Liên tiếp tăng điểm
Những tín hiệu tích cực thị trường phát đi trong tuần giao dịch cuối cùng của năm Nhâm Dần đem lại nhiều kỳ vọng cho một năm Quý Mão 2023 khởi sắc hơn. (Ảnh minh họa - Ảnh: TTXVN)
VN-Index kết thúc phiên giao dịch trước nghỉ lễ (19/1) bằng phiên tăng điểm thứ 7 liên tiếp. Chốt phiên, VN-Index dừng tại mức 1.108,08 điểm tăng 9,80 điểm với giá trị giao dịch 11.717 tỷ đồng; VN30-Index dừng tại 1.121,92 điểm, tăng 6,20 điểm; HNX-Index tăng 2,14 điểm lên mức 219,87 điểm với 1.205 tỷ trao tay; UPCOM tăng 0,44 điểm lên mức 73,98 điểm.
Ba cổ phiếu gồm VCB tăng 3,3%, BID tăng 1,9%, MSN tăng 2,1% có tác động tốt nhất tới VN-Index. Trong khi đó, hai mã HPG giảm 2,5% và VHM giảm 0,6% có tác động tiêu cực nhất với chỉ số này
VN-Index giao dịch giằng co và chịu áp lực bán trong hầu hết phiên giao dịch, thậm chí đã có lúc xuống dưới tham chiếu trước khi đảo chiều tăng trở lại vào cuối giờ. Kết phiên, nhóm cổ phiếu ngân hàng thể hiện vai trò trụ cột của thị trường khi đóng góp phần lớn đà tăng, cụ thể như VCB tăng 3,3%, ACB tăng 2%, BID tăng 1,9%, CTG tăng 1,1%.
Xét về mức tăng, trong ngày gia dịch cuối cùng trước kỳ nghỉ lễ, cổ phiếu ngành than tiếp tục có phiên bùng nổ thứ 2 với mức tăng 5,8% giá trị vốn hóa, với các cổ phiếu tiêu biểu THT tăng 9,6%, TVD tăng 9,1%, NBC và TDN đều tăng 9%, TC6 tăng 8,2%...
Tiếp đó là nhóm bảo hiểm với mức tăng 2,52% giá trị vốn hóa, đóng góp chính vào mức tăng là BVH tăng 3,1%, theo sau là PVI tăng 2 và VNR tăng 1,5%...
Nhóm dịch vụ tài chính, cụ thể là các cổ phiếu ngành chứng khoán cũng tăng tích cực với SHS tăng 4,2%, VND tăng 3,7%, SSI và BVS đều tăng 3,2%, MBS tăng 2%, HCM tăng 1,9%, VCI tăng 1%...
Nhiều nhóm ngành khác cũng ghi nhận kết quả giao dịch khả quan như du lịch và giải trí, hàng và dịch vụ công nghiệp, y tế, bán lẻ, hóa chất…
Khối ngoại mua ròng hơn 796,85 tỷ đồng trên sàn HOSE; trong đó, SSI và VIC là hai mã được mua ròng nhiều nhất với lần lượt 121,59 tỷ đồng và 73,1 tỷ đồng. Trên sàn HNX, khối ngoại mua ròng 26,3 tỷ đồng.
Trên thị trường phái sinh, hợp đồng tương lai VN30 tháng 2/2023 tăng ít hơn so với chỉ số cơ sở VN30, qua đó thu hẹp mức chênh lệch xuống còn -0,92 điểm. Điều này cho thấy tâm lý của các nhà giao dịch đã trở nên thận trọng hơn đối với xu hướng của thị trường sau 7 phiên tăng điểm liên tiếp.
Theo SHS, phiên giao dịch cuối cùng của năm Nhâm Dần, thị trường tăng điểm mạnh và tạo ra đợt bứt phá tin cậy giúp VN-Index và VN30-Index thoát khỏi kênh downtrend (trạng thái của cổ phiếu hoặc thị trường chung giảm xuống các mức thấp hơn trong một khoảng thời gian) trung hạn kéo dài 1 năm qua.
Chốt phiên, VN-Index đóng cửa ở 1.108,08 điểm với trạng thái tăng mạnh dần về cuối phiên. Như vậy với việc VN-Index đã vượt khá xa đường kháng cự của kênh downtrend trung hạn (nay trở thành đường hỗ trợ cho VN-Index) có thể xác nhận VN-Index đã bước vào giai đoạn mới mang tính tích lũy để chờ cơ hội tạo uptrend (giai đoạn giá thị trường có xu hướng giá tăng) thực sự. Trạng thái thị trường trong thời gian tới mặc dù chưa xác nhận là uptrend nhưng sẽ vận động trong kênh hồi phục và sẽ tạo ra nhiều cơ hội cho các nhà đầu tư bao gồm ngắn, trung và dài hạn.
Trong ngắn hạn, đợt hồi phục hiện tại có thể kỳ vọng VN-Index hướng tới mốc 1.150 điểm. Đợt phục hồi này khá tin cậy bởi 2 yếu tố: Thị trường thoát kênh downtrend và trước thời điểm Break (một chỉ số giá trị được các nhà giao dịch dùng để xác định một vị trí trong giai đoạn đầu của xu hướng) trạng thái vận động của thị trường là tích lũy khá tốt. Với góc nhìn trung - dài hạn, cơ hội gia tăng tỷ trọng cũng liên tục xuất hiện trong thời gian qua.
Theo chuyên gia phân tích đến từ Công ty cổ phần Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) Phạm Thu Hà Phương, đà tăng của thị trường tiếp tục được củng cố trong phiên giao dịch cuối cùng của năm Nhâm Dần. Các chỉ số ghi nhận đỉnh cao mới và đóng cửa vượt vùng cản 1.100 điểm của VN-Index, tương đương với 1.120 điểm của VN30-Index.
Mặc dù dòng tiền chưa cải thiện nhiều nhưng áp lực cung cũng chưa gây sức ép lớn cho thị trường. Theo đó, thị trường dự kiến sẽ tiếp tục được hỗ trợ và tăng điểm trong phiên giao dịch tiếp theo, 27/1/2023. Do vậy, nhà đầu tư vẫn có thể kỳ vọng vào khả năng nới rộng nhịp tăng của thị trường và khai thác một số cơ hội ngắn hạn tại các cổ phiếu có nền tích lũy tích cực, VDSC khuyến nghị.
Thị trường chứng khoán thế giới ngược chiều
Trong khi thị trường chứng khoán Việt Nam đóng cửa nghỉ lễ, các thị trường chứng khoán khu vực châu Á - Thái Bình Dương biến động ngược chiều trong phiên giao dịch sáng 26/1, giữa bối cảnh nhà đầu tư cân nhắc các số liệu kinh tế mới công bố.
Mở cửa phiên giao dịch đầu tiên sau kỳ nghỉ lễ dài, chỉ số Hang Seng tại thị trường Hong Kong (Trung Quốc) tăng 1,79%.
Tại Hàn Quốc, chỉ số Kospi tăng 0,6% bất chấp số liệu mới công bố cho thấy tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này chỉ tăng 2,6% trong năm 2022, và GDP quý IV/2022 giảm 0,4% so với quý III.
Chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản giảm nhẹ 0,12% xuống 27.361,1 điểm. Trong phiên, đồng yen giữ giá so với USD, giao dịch ở mức 129 yen đổi 1 USD, trước đồn đoán Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) có thể tăng lãi suất với tốc độ chậm lại.
Các thị trường chứng khoán tại Trung Quốc Đại lục và Australia vẫn đóng cửa nghỉ lễ.
Về phía các thị trường Âu-Mỹ, hầu hết các chỉ số chủ chốt đều giảm điểm trong phiên 25/1 sau khi nhiều doanh nghiệp công bố báo cáo kinh doanh kém khả quan và nhà đầu tư chờ đợi số liệu tăng trưởng kinh tế sắp công bố của Mỹ.
Cụ thể, chỉ số FTSE 100 của thị trường chứng khoán London (Anh) giảm 0,2% xuống 7.744,87 điểm. Chỉ số DAX của Đức và chỉ số CAC 40 của Pháp đều giảm 0,1% và lần lượt đóng cửa ở mức 15.081,64 điểm và 7.043,88 điểm.
Bên kia bờ Đại Tây Dương, tại thị trường New York, chỉ số S&P 500 giảm 0,1% xuống 4.016,22 điểm, trong khi chỉ số công nghệ Nasdaq mất 0,2% và chốt phiên ở mức 11.313,357 điểm. Duy chỉ có chỉ số công nghiệp Dow Jones đi ngược chiều, với mức tăng nhẹ gần 0,1% và đóng cửa ở mức 33.743,84 điểm.
Theo Craig Erlam, nhà phân tích thị trường cấp cao tại công ty môi giới OANDA, thị trường chứng khoán chìm trong sắc đỏ do nhà đầu tư chuẩn bị cho đợt công bố báo cáo kinh doanh kém khả quan của các "ông lớn" công nghệ. Hàng loạt đợt sa thải nhân viên, những mục tiêu không hoàn thành và dự báo ảm đạm đang trở thành cơn gió ngược với hầu hết các công ty công nghệ.
Cùng ngày, Tập đoàn công nghệ Microsoft thông báo triển vọng kinh doanh nền tảng điện toán đám mây cho doanh nghiệp Azure không được như kỳ vọng, sau khi chỉ vừa mới công bố kế hoạch sa thải 10.000 nhân viên. Trong khi đó, "ông lớn" hàng không Boeing thông báo lỗ trong báo cáo quý IV/2022, với doanh thu thấp hơn so với ước tính của các nhà phân tích.
Nhà phân tích Patrick O'Hare của trang thông tin tài chính Briefing.com cho biết, dự báo về Azure cho thấy tăng trưởng đang chậm lại và các điều kiện kinh doanh đang trở nên khó khăn hơn. Các nhà đầu tư đang lo ngại về định giá cổ phiếu (liên quan đến báo cáo thu nhập) cũng như khả năng thị trường có thể đã "lạc quan hơi thái quá" khi tăng nóng trong tháng 1/2023.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!