TP Hồ Chí Minh: 8 dự án được tháo gỡ vướng pháp lý

VTV Digital-Thứ tư, ngày 06/11/2024 10:29 GMT+7

VTV.vn - 9 tháng đầu năm, TP Hồ Chí Minh đã có 12 dự án nhà ở thương mại được chấp thuận đầu tư, 02 dự án được cấp phép xây dựng, 03 dự án nhà ở xã hội xây dựng hoàn thành.

Một thông tin vui cho thị trường bất động sản. Lần lượt tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và một số tỉnh, thành khác cho thấy, các địa phương đã có nhiều động thái tích cực, tập trung cao độ nhằm tháo gỡ khó khăn vướng mắc, chủ yếu về mặt pháp lý cho các dự án bất động sản. Trong đó có những dự án có vốn đầu tư lớn, đã chậm tiến độ nhiều năm, thậm chí là nằm ở những vị trí đắc địa.

Đây là kết quả của một quá trình đầy nỗ lực của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ ngành nhằm tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho thị trường bất động sản, nhất là các dự án có tác động lan tỏa. Một Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai dự án bất động sản đã được thành lập và đã có nhiều hoạt động liên tục, tích cực trong suốt gần 2 năm qua.

Ngay cuối tháng 10 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có Quyết định số 1250 thành lập Ban chỉ đạo về rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án. Theo thông tin mới nhất chúng tôi mới nhận được: Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh vừa có báo cáo gửi Bộ Xây dựng về tình hình, tiến độ tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của 64 dự án bất động sản do Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ chuyển đến. Trong đó, 8 dự án đã được gỡ vướng pháp lý hoàn toàn. Tuy con số 8, nghe không phải là quá nhiều, nhưng so với quy mô, tổng vốn đầu tư và tác động lan tỏa, thì đây lại là con số không hề nhỏ đối với thị trường TP Hồ Chí Minh.

Khu phức hợp Sóng Việt nằm ngay trung tâm đô thị mới Thủ Thiêm có tổng mức đầu tư 7.300 tỷ đồng. Là 1 trong 8 dự án được gỡ hoàn toàn vấn đề pháp lý. Ngoài 8 dự án này, thì 22 dự án tiếp theo vẫn đang tiếp tục đẩy mạnh câu chuyện gỡ khó. Có thể nói đây là thông tin rất tích cực cho TP Hồ Chí Minh khi thị trường bất động sản sắp tới dự báo sẽ có thêm nhiều nguồn cung sơ cấp cũng như thành phố có cơ hội tăng thêm nhiều nguồn thu cho ngân sách.

Trong danh sách 8 dự án được gỡ vướng pháp lý hoàn toàn để tiếp tục triển khai, chủ yếu là các dự án dân cư, nhà ở thương mại, nhà ở xã hội. Theo Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh, việc thành lập Tổ công tác của thành phố về tháo gỡ vướng mắc cho các dự án bất động sản, và 3 luật mới liên quan đi vào thực thi là dấu mốc rất quan trọng thúc đẩy nhanh hơn quá trình gỡ vướng này.

Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP Hồ Chí Minh cho biết: "Chúng tôi đánh giá rất cao nỗ lực của TP Hồ Chí Minh trong 10 tháng qua đã tập trung tháo gỡ khó khăn cho 64 dự án và chúng ta kỳ vọng sẽ nhân được tin vui từ nay cho đến cuối năm đối với 22 dự án mà đã được tổ công tác xem xét, và điều này đã giúp nâng đỡ cái lòng tin của thị trường".

Tính đến 9 tháng đầu năm nay, thành phố đã có 12 dự án nhà ở thương mại được chấp thuận chủ trương đầu tư, 02 dự án được cấp phép xây dựng, và có 03 dự án nhà ở xã hội xây dựng hoàn thành. Qua các số liệu nêu trên cho thấy, thị trường bất động sản TP Hồ Chí Minh đã dần phục hồi, từ mức âm trong năm 2023 đã tăng trưởng dương trở lại từ đầu năm 2024.

Hà Nội gỡ vướng đối với 5 dự án đầu tư chậm triển khai

TP Hồ Chí Minh: 8 dự án được tháo gỡ vướng pháp lý - Ảnh 1.

Lãnh đạo TP Hà Nội yêu cầu phải tìm mọi cách để sớm hoàn thành 5 dự án trọng điểm đang bị chậm tiến độ.

Tại Hà Nội, vào tuần trước, UBND TP Hà Nội đã có cuộc họp về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với một số dự án đầu tư trên địa bàn. Tại cuộc họp này, lãnh đạo thành phố yêu cầu phải tìm mọi cách để sớm hoàn thành 5 dự án trọng điểm đang bị chậm tiến độ. Cụ thể Dự án Công viên văn hóa, du lịch vui chơi giải trí Kim Quy tại huyện Đông Anh; Khu nhà ở sinh viên Pháp Vân - Tứ Hiệp, Khu nhà ở tái định cư thuộc Khu đô thị Đền Lừ III tại quận Hoàng Mai, dự án Tổ hợp hỗn hợp trung tâm thương mại, dịch vụ, văn hóa tại số 148 phố Giảng Võ và Trung tâm Nghiên cứu chuyển giao công nghệ và Giám định công nghệ tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc.

Vị trí của là Trung tâm Hội chợ Triển lãm Việt Nam, hay còn gọi là Triển lãm Giảng Võ nổi tiếng trước đây. Từ năm 2016, một tổ hợp trung tâm thương mại, vui chơi, giải trí được quy hoạch xây dựng trên khu đất này. Nhưng 8 năm qua, sau nhiều lần thay đổi chủ trương đầu tư, điều chỉnh quy hoạch, dự án vẫn chưa thể hoàn thành. Việc 1 dự án ở khu vực vàng đắc địa như thế này bị bỏ không, gây ra sự lãng phí rất lớn và cũng ảnh hưởng tới kế hoạch đầu tư của doanh nghiệp. Đây chỉ là 1 trong nhiều dự án chậm tiến độ tại Hà Nội.

Tính đến tháng 6 năm nay, Hà Nội có 712 dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm triển khai. Trong đó có cả những dự án nhà ở xây dựng dở dang, là một dự án gồm nhiều tòa chung cư tại quận Hà Đông, đã dừng thi công nhiều năm. Trong khi nhu cầu nhà ở của người dân thủ đô rất lớn, giá chung cư tăng liên tục, những dự án dở dang như thế này lại không được hoàn thiện, gây ra sự lãng phí rất lớn.

Trong cuộc họp tuần trước, TP Hà Nội cho biết, đã tháo gỡ được cho 410 dự án. Các doanh nghiệp cũng đã nêu ra các kiến nghị cụ thể. Chủ tịch UBND TP Hà Nội yêu cầu phải có thời hạn cụ thể để giải quyết dứt điểm.

"3 tháng trời, hồ sơ cứ loanh quanh, đến nay vẫn chưa trình được TP Hà Nội để phê duyệt quyết định chủ trương đầu tư. Trong khi đó, 10 tháng sẽ xong Trung tâm hội chợ triển lãm. Làm sao đến đầu tháng 11 này, thành phố có quyết định để chúng tôi triển khai dự án", ông Phạm Thiếu Hoa, đại diện chủ đầu tư dự án Tổ hợp hỗn hợp Trung tâm thương mại, dịch vụ, văn hóa chia sẻ.

Ông Trần Sỹ Thanh - Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho hay: "Chỗ nào cũng chậm 5-7 tháng, 1-2 năm, có những dự án cả trục năm rất lãng phí. Chúng ta cần cố gắng, với tinh thần quyết liệt cao nhất để phát triển kinh tế Thủ đô, thực sự mang lại lợi ích cho xã hội, cho nhân dân".

Ghi nhận cho thấy, có rất nhiều nguyên nhân khiến các dự án chậm triển khai như: Sự thay đổi trong quy định pháp luật, thủ tục pháp lý chưa rõ ràng, hoặc do chủ đầu tư gặp khó khăn về tài chính. Dù là nguyên nhân khách quan hay chủ quan, thì việc các khu đất đắc địa bỏ hoang đang gây ra sự lãng phí rất lớn.

Vào tuần trước, tại phiên thảo luận ở Quốc hội, nội dung về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội, nhiều đại biểu quốc hội đã đề cập tới việc cần có các giải pháp quyết liệt để xử lý các dự án chậm tiến độ, bị bỏ hoang nhiều năm.

Một số ý kiến cho rằng, các địa phương cần lập danh mục cụ thể các dự án chậm tiến độ, kèo theo phương án giải quyết cụ thể. Đặc biệt nêu rõ thời hạn xử lý, các doanh nghiệp và địa phương cũng có kiến nghị cần có một cơ chế chung đặc thù xử lý triệt để các dự án bất động sản gặp vướng mắc nhiều năm. Trong đó, có hướng xử lý, cách khắc phục các sai phạm, nếu có, tránh kéo dài từ năm này qua năm khác.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước