Trang CNBC cho biết, ví dụ như tháng 6 vừa qua, có tới 850.000 việc làm mới, cao hơn mức 583.000 của tháng 5 và cao hơn cả dự đoán. Thế nhưng tỷ lệ thất nghiệp lại tăng lên mức 5,9%. Thất nghiệp tăng thậm chí cả khi tỷ lệ tham gia vào lực lượng lao động không đổi. Điều này có nghĩa nhiều người tự chuyển sang chế độ "thất nghiệp" do lý do nào đó.
Nhật báo phố Wall bình luận: "Vaccine đã tiêm, kinh tế đã mở, chi tiêu của người dân tăng, nhưng ngành sản xuất, nhà hàng, xây dựng đều gặp khó trong việc tìm nhân viên". Theo khảo sát, một số người dân vẫn lo sợ COVID-19, một số khác phải ở nhà trông con vì nhiều chương trình học hè giới hạn học sinh và không ít người thừa nhận tiền trợ cấp thất nghiệp đang cao hơn số họ có thể kiếm được với những việc được chào mời.
Trợ cấp thất nghiệp ở Mỹ hiện đang ở mức 300 USD (khoảng gần 7 triệu đồng/tuần). Hai vợ chồng nghỉ việc vẫn có 2.400 USD/tháng để chi tiêu. Đây là mức chi tiêu không cao so với mặt bằng chung, nhưng lại bị chỉ trích là nguyên nhân gây nên hiện tượng "ì" ở người lao động.
Trợ cấp thất nghiệp ở Mỹ bị chỉ trích là nguyên nhân gây nên hiện tượng "ì" ở người lao động. (Ảnh minh họa: Los Angeles Times)
Nhiều nghị sĩ đảng Cộng hòa đồng ý nên cắt để đẩy người lao động đi làm nhiều hơn. Tuy nhiên các nhà hoạt động xã hội nhận thấy có tới hơn 7 triệu người phải ở nhà để trông con vì thiếu chương trình trông trẻ. Dù đã được tiêm nhưng 3,8 triệu người vẫn lo sợ virus, nên nếu cắt bớt tiền trợ cấp, chưa chắc đã giải quyết được tận gốc vấn đề.
Trang Nước Mỹ ngày nay trích quan điểm của các nhà kinh tế học cho rằng họ không đồng ý cắt trợ cấp. Bởi rõ ràng với nhiều người lao động, đặc biệt có lương thấp, họ đang phải lựa chọn nên làm việc ở đâu. Họ đang xác định cần tìm việc có lương cao hơn, ít nhất là so với chính việc họ đã để mất do dịch. Trang này kết luận người lao động biết sẽ phải quay lại làm việc, chỉ là đang chờ việc cho họ có cảm giác thoải mái và an toàn.
Nhiều doanh nghiệp đã không chấp nhận ngồi đợi người lao động suy nghĩ lâu. Họ đã đưa ra giải pháp là tăng lương cơ bản. Các công ty đi đầu trong việc này là Amazon, Walmart, Under Armour... Trong khi chính quyền nhiều bang hỗ trợ bằng cách tăng chương trình trông trẻ, thậm chí miễn phí cho những gia đình có thu nhập thấp.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!