Cửa hàng Poundworld đồng giá 1 Bảng tại Anh. Ảnh: PA
"Cửa hàng một giá" chắc không phải là cụm từ xa lạ với nhiều người. Tuy nhiên, làm thế nào để giữ hầu hết các mặt hàng kinh doanh ở một mức giá và tiềm năng phát triển của các cửa hàng này ra sao, có lẽ không phải ai cũng hiểu rõ.
Ở Anh có những chuỗi siêu thị bán hàng với giá chỉ 1 Bảng, với quy mô không thua kém gì các ông lớn trong ngành bán lẻ khác nhưng tương lai đang bấp bênh hậu Brexit.
Poundworld, một trong những chuỗi siêu thị bán hàng giá một bảng lớn nhất tại Anh, vừa công bố nguy cơ phá sản, là một nhan đề mới được đăng tải trên tờ Financial Times.
Theo báo này, Poundworld đã liên tục thất bại trong việc tìm kiếm nguồn tài chính hỗ trợ khiến 5.000 lao động có khả năng mất việc làm và hơn 350 cửa hàng không biết lúc nào sẽ phải đóng cửa. Số liệu thống kê cho thấy, tính đến hết Quý I/2017, chuỗi siêu thị này đã thua lỗ 6 triệu Bảng, so với 12,2 triệu Bảng lợi nhuận 1 năm trước đó.
BBC đưa ra các lý giải cụ thể về lý do tại sao Poundworld đang từ một chuỗi bán lẻ phát đạt lại ngấp nghé bờ vực sụp đổ. Các cửa hàng của hãng này cũng như nhiều đối thủ khác trong cùng phân khúc bán hàng giảm giá, thu hút khách hàng với mức giá chỉ 1 Bảng Anh cho nhiều loại mặt hàng như túi xách, lọ hoa hay thậm chí là trang sức giá rẻ. Theo BBC, các sản phẩm này chủ yếu được sản xuất tại Trung Quốc, trước khi vận chuyển về Anh.
Đây tưởng chừng như là phương pháp kinh doanh hiệu quả để giữ cho giá sản phẩm rẻ ở mức khó tin, đáp ứng nhu cầu của nhiều đối tượng người tiêu dùng. Tuy nhiên, các biến cố chính trị và kinh tế thời gian qua khiến đồng Bảng Anh liên tục mất giá, chi phí nhập khẩu hàng hóa vì thế tăng lên đáng kể với các chuỗi bán lẻ lớn. Việc đóng băng giá mặt hàng khiến doanh nghiệp khó có thể điều tiết việc kinh doanh cho phù hợp.
Bên cạnh đó, BBC cho rằng, trong thời điểm gần đây, mức độ lạm phát tăng nhanh hơn mức thu nhập, nhiều người mua hàng đang tiết kiệm hơn, gây khó khăn chung cho toàn ngành bán lẻ. Khách hàng cũng có xu hướng quay lưng với mua đồ tại cửa hàng hay siêu thị mà chuyển sang mua qua Internet do những lựa chọn hợp lý hơn, thuận tiện hơn, đến từ các hãng như Amazon hay eBay, với giá thành cũng không kém hấp dẫn. Cạnh tranh không chỉ có thế mà còn đến từ vô số các cửa hàng nhỏ hơn mọc lên trong cùng phân khúc hàng giảm giá.
Trong nhan đề của mình, Financial Times nhận định, sự lao dốc của Poundworld chủ yếu đến từ sự thiếu hợp lý trong quản trị. Giữ giá sản phẩm, nhưng lại đồng thời tập trung đầu tư vào cửa hàng tại các con phố mua sắm lớn, khiến chuỗi này khó giữ được lợi nhuận mong muốn. Đối thủ cạnh tranh chính của Poundworld trong cùng phân khúc là Poundland, dù cũng chịu các yếu tố tác động tương tự, lại đang điều tiết lại giá các mặt hàng và chuyển hướng sang dần từ bỏ giá bán một bảng, để phù hợp hơn với thị trường. Nhiều doanh nghiệp nhỏ hơn cũng chọn tấn công vào những khu vực ở cách xa trung tâm, nơi có nhu cầu cao cho các sản phẩm giá rẻ mua tại chỗ.
Câu chuyện của Poundworld chỉ là một phần của bức tranh bán lẻ truyền thống ảm đạm tại Anh thời điểm này. Ở các phân khúc khác, nhà bán lẻ cao cấp khổng lồ House of Frasers hay hãng thời trang New Look cũng đang gặp vô vàn khó khăn và phải đóng cửa không ít cửa hàng của mình.
Sau khủng hoảng tài chính 10 năm trước, thị trường thay đổi khi các chuỗi siêu thị 1 Bảng nổi lên nhanh chóng do nhu cầu của người dùng thì có lẽ giờ là thời điểm một thay đổi khác đang diễn ra khi mô hình kinh doanh này nhiều khả năng đã không còn phù hợp.