Ứng phó áp lực lạm phát

Ban Thời sự-Thứ năm, ngày 06/06/2024 05:56 GMT+7

VTV.vn - Bình quân 5 tháng qua, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 4,03% so với cùng kỳ năm trước. Riêng tháng 5 tăng 4,44% so với cùng kỳ năm ngoái.

Nếu như trước Tết, giá một kg ba chỉ tại chợ vào khoảng 110.000 đồng/ kg, nay đã đắt hơn khoảng 20.000 đồng. Với lượng tiêu thụ bình quân đầu người tại Việt Nam khoảng 2,5 kg thịt lợn/ tháng, mỗi người đang phải trả thêm khoảng 50.000 đồng/ tháng so với đầu năm, do thiếu hụt nguồn cung thịt lợn sau đợt dịch tả lợn châu Phi cuối năm ngoái.

Bà Nguyễn Thị Tú Anh - Cán bộ Phòng Kinh doanh chợ đầu mối phía Nam Hà Nội cho biết: "Các hộ kinh doanh nhập về để bán giảm so với trước Tết khoảng 30%. Giá tăng khoảng 10%".

Giá thịt lợn tăng, người tiêu dùng có thể bớt thịt và thay thế bằng các loại thực phẩm khác, nhưng việc sử dụng điện trong mùa nắng nóng rất khó thay thế. Có những ngày cao điểm trong tháng 5, lượng điện tiêu thụ trong ngày vượt 1 tỷ KWh, đẩy chi phí sử dụng điện tăng cao.

Bà Yun Liu - Chuyên gia phụ trách thị trường ASEAN, Ngân hàng HSBC chia sẻ: "Chỉ số giá tiêu dùng tháng 5 tăng cao một phần còn do so với mức nền thấp của cùng kỳ năm ngoái. Nhưng cũng cần phải phân tích kỹ, khi so sánh với tháng trước là tháng 5 chỉ tăng 0,05% - là mức ít biến động. Giá thực phẩm và năng lượng sẽ dần bớt áp lực hơn trong những tháng tới".

Ứng phó áp lực lạm phát - Ảnh 1.

Tổng cục thống kê đã lên 3 kịch bản về lạm phát

Để kiểm soát lạm phát ở mức 4,5% như mục tiêu đề ra, dư địa còn lại cho mỗi tháng từ nay đến cuối năm sẽ tăng từ 0,3-0,5%/ tháng so với tháng trước đó. Đây được cho là mức khả thi bởi nhìn lại trong hai tháng gần đây, chỉ số giá tiêu dùng đều tăng dưới 0,1%, thậm chí vào tháng 3 giảm, chỉ tăng cao nhất là tháng 2 là tháng Tết. Cùng với đó là rất nhiều kịch bản điều hành giá đã được xây dựng kỹ lưỡng.

Tổng cục Thống kê đã lên 3 kịch bản về lạm phát. Theo đó, với kịch bản CPI cả năm tăng 3,8%, lạm phát sẽ tăng cao nhất trong nửa đầu năm, sau đó giảm trong nửa năm còn lại. Ở kịch bản 4,2% và 4,5%, lạm phát tăng cao trong hai quý đầu năm và giảm trong quý III, sau đó tăng trở lại vào quý IV. Ở mỗi kịch bản đều tính đến sức ép giá cả ở trong và ngoài nước.

Bà Nguyễn Thu Oanh - Vụ trưởng Vụ Thống kê giá, Tổng cục Thống kê nêu ý kiến: "Từ ngày 1/7, chúng ta sẽ thực hiện cải cách tiền lương cũng như việc tăng lương tối thiểu vùng, nó sẽ tạo áp lực lên lạm phát. Bất ổn trên thế giới sẽ có khả năng tác động đến giá xăng dầu".

Ông Phạm Văn Bình - Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính nhận định: "Theo dõi sát diễn biến thị trường giá cả, nhất là đối với mặt hàng thiết yếu, đề xuất với cấp có thẩm quyền để xây dựng những kịch bản điều hành giá phù hợp với diễn biến giá cả thị trường trong từng thời kỳ, cũng như điều hành giá đối với mặt hàng do Nhà nước định giá".

Mới đây nhất, hưởng ứng chỉ thị của Thủ tướng, các nhà xuất bản vừa công bố giảm giá sách giáo khoa từ 10-15%, góp phần giảm áp lực lạm phát. Sự đồng hành, chia sẻ của các doanh nghiệp trong việc giữ ổn định mặt bằng giá cũng sẽ góp phần quan trọng vào việc ứng phó lạm phát từ nay tới cuối năm.

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng chỉ đạo các bộ ngành phải theo dõi sát tình hình để xây dựng, cập nhật phương án, kịch bản điều hành giá đối với các mặt hàng cụ thể thuộc lĩnh vực quản lý. Trên cơ sở đó, cập nhật kịch bản điều hành giá tổng thể để đảm bảo mục tiêu kiểm soát lạm phát trong giới hạn đề ra.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước