Vì sao Mỹ, EU không loại Nga khỏi SWIFT?

VTV Digital-Thứ bảy, ngày 26/02/2022 06:04 GMT+7

VTV.vn - Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đã đồng thuận chọn không loại Nga khỏi hệ thống thanh toán liên ngân hàng toàn cầu SWIFT như một phần của lệnh trừng phạt đối với Moscow.

Hệ thống SWIFT từng được đánh giá là một biện pháp trừng phạt có thể mang đến hậu quả như "bom nguyên tử" đối với hệ thống tài chính của Nga. Tuy nhiên, Nga "chịu trận", thì các ngân hàng trên thế giới, đặc biệt là tại châu Âu cũng đứng trước nguy cơ "phá sản" vì nhỡ mua nợ của nước này.

SWIFT là một hệ thống cung cấp mạng truyền tin được các ngân hàng sử dụng rộng rãi để gửi và nhận các lệnh chuyển tiền hoặc thông tin. Hệ thống này được giám sát bởi các ngân hàng trung ương ở Mỹ, Nhật Bản và châu Âu.

Anh là một trong những quốc gia đã gây áp lực mạnh mẽ lên Liên minh châu Âu để loại Nga khỏi hệ thống SWIFT với mục tiêu trừng phạt nước này.

"Hệ thống SWIFT giống như các mạng nơ-ron cho thị trường tài chính, vì vậy nó cho phép bạn thực hiện các khoản thanh toán của mình một cách an toàn hơn và nhanh chóng hơn. Do vậy rõ ràng nếu các biện pháp trừng phạt nhằm loại bỏ các ngân hàng của Nga khỏi hệ thống SWIFT thì sẽ giống như việc đẩy Nga gần như quay trở lại thời kỳ "đồ đá"", ông Ross Denton - Giám đốc thương mại quốc tế công ty Ashurst LLP cho biết.

Vì sao Mỹ, EU không loại Nga khỏi SWIFT? - Ảnh 1.

Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đã đồng thuận chọn không loại Nga khỏi hệ thống thanh toán liên ngân hàng toàn cầu SWIFT như một phần của lệnh trừng phạt đối với Moscow

Tuy nhiên, mọi chuyện không đơn giản như vậy, theo Tổng thống Mỹ Joe Biden, các biện pháp trừng phạt áp dụng đối với các ngân hàng Nga vượt quá tác động của việc cắt Nga khỏi SWIFT. Đồng thời, các quốc gia khác cũng không đồng ý thực hiện bước bổ sung vào thời điểm này.

Đức - một đối tác thương mại quan trọng của Nga - phản đối việc ngăn cản quyền truy cập của Nga vào hệ thống thanh toán vào thời điểm này, nhưng cũng cho rằng bước đi như vậy vẫn có thể thực hiện ở giai đoạn sau.

Được biết, các quốc gia thành viên EU khác không muốn thực hiện động thái loại bỏ Nga khỏi Swift do lo ngại sẽ khiến các chủ nợ châu Âu khó lấy lại tiền của mình, bất chấp việc biện pháp trừng phạt này có thể gây ảnh hưởng nặng nề đến các ngân hàng Nga.

"Phải hết sức cẩn trọng bởi nếu các nước thực sự đưa Nga ra khỏi hệ thống SWIFT, Nga sẽ đơn giản tìm cách phát triển một hệ thống song song của riêng mình, cùng với Trung Quốc và sẽ trở thành đối thủ của SWIFT. Lúc đó, Nga sẽ không bao giờ quay trở lại Swift và điều này sẽ gây tổn hại cho hệ thống", ông Ross Denton nhận định.

Việc đồng thuận giữ Nga lại hệ thống SWIFT lúc này cũng là biện pháp giữ cho khối EU không bất đồng sâu sắc thêm, đồng thời không làm ảnh hưởng tới tình hình tại châu Âu và hệ thống SWIFT. Dữ liệu từ Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS) cho thấy các nhà cho vay châu Âu nắm giữ phần lớn nhất trong số gần 30 tỷ USD giao dịch của các ngân hàng nước ngoài với Nga.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước