Tại Diễn đàn Kinh tế Việt - Đức diễn ra vào chiều 6/7 tại Berlin với sự tham dự của Bộ trưởng Bộ Kinh tế và Năng lượng Đức Brigitte Zypries và trên 700 nhà doanh nghiệp của hai nước, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tin tưởng cho rằng Đức sẽ là người bạn tin cậy của Việt Nam và với công nghệ và kinh nghiệm quản trị của Đức có thể giúp Việt Nam vượt lên nhanh chóng trong xu hướng của Cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, sự gắn kết giữa người dân và hai quốc gia chính là nền tảng vững chắc cho giao thương, đầu tư của doanh nghiệp hai nước trong tương lai. Ở Việt Nam, văn hóa Đức đã thâm nhập vào xã hội Việt Nam một cách hết sức tự nhiên, gần gũi, thân thuộc như "Nỗi đau của chàng Werther" - tác phẩm của văn hào Đức Wolfgang von Goethe đã từng tạo nên cơn sốt trong giới trẻ châu Âu cũng như Việt Nam.
Năm 1955, những công dân đầu tiên của Việt Nam được cử đi học tại Cộng hòa dân chủ Đức đã trở thành biểu tượng cho mối quan hệ gắn bó hữu nghị hai nước. Đến nay, ở Việt Nam đã có trên 100.000 người nói thạo tiếng Đức và từng tốt nghiệp các trường ở Đức. Tiếp nối truyền thống đó, ngày nay, sự ra đời của trường Đại học Việt Đức ở Bình Dương và một số trường trung học do doanh nghiệp Đức thành lập ở TP.HCM không chỉ giúp Việt Nam cải thiện chất lượng nguồn nhân lực, mà còn giúp giải quyết vấn đề lớn như năng lượng, giao thông vận tải, tài nguyên môi trường, quy hoạch đô thị và phát triển bền vững.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Diễn đàn.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam được cải thiện cơ bản và ngày càng phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế. Theo đó, Việt Nam từng bước gỡ bỏ hạn chế trong nhiều ngành nghề, lĩnh vực, đặc biệt là lĩnh vực dịch vụ, viễn thông, tài chính, ngân hàng, cho phép nhà đầu tư nước ngoài tham gia không hạn chế hoặc nâng trần giới hạn sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài, kể cả bán cổ phần chiến lược của doanh nghiệp Nhà nước cho nhà đầu tư nước ngoài.
Việt Nam đang gỡ bỏ thủ tục cấp phép mở tài khoản và giao dịch chứng khoán cho nhà đầu tư nước ngoài, tạo thuận lợi cho giao dịch tài khoản vốn, xóa bỏ các biện pháp kiểm soát vốn không phù hợp với thông lệ quốc tế. Việt Nam cũng đang thúc đẩy hoạt động mua bán và sáp nhập trong các lĩnh vực như hạ tầng, vận tải, sân bay, đường cao tốc, cảng biển, điện lực, viễn thông, lương thực, thực phẩm, nông nghiệp và dịch vụ.
Điều quan trọng nữa cũng được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh là Việt Nam đang cải cách đổi mới, tạo điều kiện cho môi trường pháp lý tốt nhất cho các nhà đầu tư trong nước và quốc tế. Thủ tướng bày tỏ tin tưởng, với tư cách là nền kinh tế lớn nhất và là thành viên có tầm ảnh hưởng của mình, Đức sẽ là người bạn tin cậy của Việt Nam, hỗ trợ thu hút sự quan tâm và nguồn lực của quốc tế vào các mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam, đặc biệt, trong lĩnh vực cơ khí chế tạo, tự động hóa, đào tạo nghề và giáo dục đại học.
Trước sự chứng kiến của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Bộ trưởng Bộ Kinh tế và Năng lượng Đức Brigitte Zypries, hai bên đã trao đổi 28 văn kiện hợp tác với trị giá 1,5 tỷ Euro, trong đó, có hợp tác về đào tạo nguồn nhân lực y tế, Biên bản ghi nhớ giữa UBND tỉnh Hà Tĩnh với công ty Khu công nghiệp Việt - Đức và công ty Hợp tác thương mại toàn cầu, Thỏa thuận hợp tác sản xuất tua bin gió nhỏ hiệu quả cao, Hợp đồng tài chính của Vietjet Air thuê 4 máy bay và Hợp đồng giữa Tập đoàn Xuân Thành với các công ty Đức về cung cấp thiết bị cho các nhà máy xi măng, cùng với nhiều hợp đồng về chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực môi trường và năng lượng.
Trước sự chứng kiến của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cũng đã ký thỏa thuận hợp tác với bang Rheinland-Pfalz về công nghệ môi trường, hóa chất, dược phẩm và nông nghiệp.
* Mời quý độc giả theo dõi Truyền hình trực tuyến các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam!