Các đại biểu trong buổi gặp gỡ cựu lưu học sinh Việt Nam tại Đức được tổ chức tại Hà Nội.
Năm 2008, cuộc khủng hoảng kinh tế bắt đầu lan rộng khắp toàn cầu. Trong khi nhiều nước ở châu Âu vẫn đang tìm đường thoát khỏi khủng hoảng thì nước Đức đã có một chính sách “thắt lưng buộc bụng” trong tất cả các công việc đối nội và đối ngoại. Chính sách đối ngoại của Đức trong thời kỳ này là tự chủ hơn nhưng lại linh hoạt, mềm dẻo.
Đó là một trong những chính sách đối ngoại đã giúp Đức tăng trưởng trong thời kỳ khủng hoảng. Vậy còn ở Việt Nam thì sao? Việt Nam có thể học được gì từ chính sách ngoại giao của Đức?.
Các chuyên gia, nhà nghiên cứu và hàng chục cựu học sinh Việt Nam tại Đức đã cùng tham dự cuộc gặp gỡ Alumni Talk tại Hà Nội. Khái niệm về “ngoại giao kinh tế” được đưa ra thảo luận tại cuộc gặp gỡ này. Các nhà nghiên cứu Việt Nam và Đức đều đồng tình trong việc thúc đẩy vai trò của ngoại giao kinh tế, có nghĩa là ngoại giao phải đi trước, mở đường để ổn định nền kinh tế, từ đó khẳng định được “Việt Nam không những là bạn, mà còn là đối tác tin cậy của các nước”.
Bên cạnh vai trò rõ rệt của chính sách đối ngoại, Giáo sư Klaus Segbers, trường Đại học Tự do Berlin còn đưa ra một vài gợi ý cho Việt Nam trong việc tăng trưởng kinh tế nhìn từ bài học của nước Đức.
Giáo sư Klaus Segbers - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Chính trị toàn cầu, Đại học Tự do Berlin cho rằng: “Tôi cũng muốn nhấn mạnh thêm những nhân tố khác có thể thúc đẩy nền kinh tế, đó là chi tiêu bền vững, đào tạo nghề cho lực lượng lao động trẻ và không nên theo đuổi quá nhiều mục tiêu một lúc. Tôi nghĩ đó là một công thức tốt cho việc phát triển kinh tế”.
Việt Nam và Đức tuy ở hai châu lục khác nhau nhưng cũng lại có nhiều điểm tương đồng về mặt dân số diện tích, lịch sử - từng bị chia cắt trong chiến tranh. Và giờ thì đều đóng vai trò quan trọng ở khu vực.
Ông Phạm Quang Minh - Hiệu phó Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn nhấn mạnh: “Điểm tương đồng quan trọng nhất là nếu như Đức là đầu tàu kinh tế ở Liên minh châu Âu thì Việt Nam là một chủ thể có vị thế cao trong ASEAN, một thành viên tích cực. Điểm tương đồng mà nói trong chính sách đối ngoại của hai nước là phải tích cực hơn nữa, chủ động hơn nữa, nhận trách nhiệm cao hơn nữa trong hội nhập khu vực, vì xu hướng hội nhập ngày nay là xu hướng không thể đảo ngược”.
Liên minh châu Âu là một liên minh kinh tế - chính trị được thành lập gần 20 năm nay, trong đó Đức có vai trò đầu tàu trong việc khôi phục nền kinh tế sau khủng hoảng. Còn tại Đông Nam Á, Cộng đồng Kinh tế chung ASEAN dự kiến sẽ hình thành vào cuối năm sau. Trong đường lối đối ngoại của mình, Việt Nam luôn tập trung vào việc hợp tác ASEAN, qua đó mở đường cho phát triển kinh tế của đất nước cũng như nội khối ASEAN.