Nông nghiệp - lĩnh vực gây phát thải đứng thứ hai
Ngành nông nghiệp vốn được coi là trụ đỡ của nền kinh tế khi đang đảm bảo sinh kế cho trên 60% dân số sinh sống ở khu vực nông thôn và chiếm tỷ trọng gần 12% GDP. Tuy nhiên, sản xuất nông nghiệp đang là lĩnh vực gây phát thải lớn thứ hai sau ngành năng lượng với 80 triệu tấn khí thải CO2 mỗi năm. Trong đó, sản xuất lúa và chăn nuôi là hai lĩnh vực gây phát thải khí nhà kính lớn nhất.
Trong suốt chu trình sinh trưởng của cây lúa, có đến 80% thời gian thân rễ ngập trong nước. Chính lớp nước trên mặt ruộng này là nguyên nhân khiến lúa phát thải ra một lượng lớn loại khí nhà kính có tên là metal, có công thức hóa học là CH4. Con số về khí CH4 mà các nhà khoa học thu nhận tại ruộng lúa ngập nước thường xuyên và ruộng rút cạn khô ngập xen kẽ sẽ thấy rõ câu trả lời.
PGS. TS. Mai Văn Trịnh - Viện trưởng Viện Môi trường nông nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: “Cây lúa là cây phát thải ra nhiều khí metal nhất. Chỉ có khu hệ rễ lúa mới là một môi trường thích hợp cho vi khuẩn methanogen làm việc”.
Với môi trường rễ lúa ngập nước, vi khuẩn methanogen sinh sôi nhanh, ăn các chất hữu cơ trong đất và thải ra khí metal. 95% lượng khí metal này được cây lúa hút lên qua các mao mạch và ống dẫn ở thân, sau đó thoát ra bề mặt lá lúa.
PGS. TS. Mai Văn Trịnh - Viện trưởng Viện Môi trường nông nghiệp, Bộ Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn chia sẻ: “Trong nông nghiệp, phát thải lớn nhất là từ canh tác lúa. Phát thải lớn thứ hai là từ đất nông nghiệp, tức là từ bón đạm vì khi mình trồng cây thì sẽ bón phân đạm, phân đạm này vào đất và khi có đạm dư thừa ở đất thì nó sẽ bị chuyển hóa bất kể ở điều kiện nào và vẫn sinh ra N2O”.
Động vật nhai lại được chăn nuôi nhiều nhất chính là bò. Thức ăn của bò là cỏ, rất nhiều chất xơ. Chính cơ chế tiêu hóa thức ăn của chúng đã tạo ra một vùng trời khí metal chỉ với một động tác là "ợ hơi".
Cỏ hay rơm rạ khi đi vào hai cái dạ dày đầu tiên của bò sẽ bị công phá, nó bẻ gãy rồi nó làm cho mềm. Sau đó ở vị trí số ba của dạ dày, có một loại vi khuẩn, cũng chính là vi khuẩn methanogen, nó phân hủy các thức ăn hữu cơ và sau đó thải khí metal. Bò chỉ cần ợ lên là khí metal sẽ thông qua đường thở đi ra ngoài.
PGS. TS. Mai Văn Trịnh - Viện trưởng Viện Môi trường nông nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nêu ý kiến: “Động vật nhai lại chúng ta thấy có mùi hôi chính là mùi của khí metal. Còn nếu phân của gia súc nếu chúng ta để đống lại tươi như vậy thì sẽ phân giải ra hai loại khí chính là khí metal và khí N20”.
Loại khí phát thải hay được nhắc đến nhất là khí CO2. Nhưng khí metal (CH4) lại có tiềm năng gây nóng lên toàn cầu gấp 28 khí CO2. Còn khí N20 còn gây nóng nhanh hơn CO2 đến 265 lần. Rõ ràng, không giảm phát thải khí nhà kính từ nông nghiệp, Việt Nam sẽ không thể thực hiện được cam kết Net Zero, giảm phát thải ròng về bằng 0 vào năm 2050.
Không giảm phát thải khí nhà kính từ nông nghiệp, Việt Nam sẽ không thể thực hiện được cam kết Net Zero, giảm phát thải ròng về bằng 0 vào năm 2050
Nông nghiệp tuần hoàn giúp giảm phát thải
Loại khí phát thải hay được nhắc đến nhất là khí CO2. Nhưng khí metal (CH4) lại có tiềm năng gây nóng lên toàn cầu gấp 28 khí CO2. Còn khí N20 thì còn gây nóng nhanh hơn CO2 đến 265 lần. Cả ba loại khí này đều sinh ra từ sản xuất nông nghiệp. Để giảm thiểu những loại khí này, canh tác theo hướng nông nghiệp tuần hoàn mang lại kỳ vọng sẽ giúp giảm sâu phát thải ròng về bằng 0 vào năm 2050.
Trang trại Trung hòa carbon là trạng thái tổng lượng khí CO2 thải ra môi trường cân bằng với lượng CO2 được hấp thụ hoặc loại bỏ. Nhằm giảm lượng khí thải carbon ở mức tối thiểu hoặc bằng 0, hàng nghìn tỷ đồng đã được doanh nghiệp đầu tư xây dựng các trang trại sinh thái Green Farm. Tại đây, 70% diện tích được dành cho mảng xanh và hồ nước điều hòa. Giảm lượng khí metan từ đàn bò sữa 8.000 con khi nhai lại đã được trang trại tính toán giải pháp.
Chị Lê Thị Kiều Linh - Giám đốc chăn nuôi thú y Trang trại Green Farm Tây Ninh chia sẻ: “Trung bình 1 ngày con bò nhai lại dao động từ 7-8 giờ, chắc chắn nó phải tiêu hóa thì thải ra khí metal nhưng khi mình cung cấp chất dinh dưỡng tốt nhất cho con bò thì việc phát thải khí metan sẽ giảm 15-30% việc phát thải đó. Và những nguyên liệu có hơn 20 loại các loại cây cỏ và hạt để bò dễ tiêu hóa. Ngoài ra, còn có ngô ủ chua cung cấp tinh bột cho con bò, giúp con bò chuyển hóa và tạo đường glucose, tạo dinh dưỡng, năng lượng cho con bò. Những nguyên liệu này sẽ giúp cho việc giảm phát thải khí metal”.
Kinh tế tuần hoàn cũng đóng góp lớn cho cắt giảm tối đa lượng phát thải khí nhà kính. Mỗi năm, 10.000 tấn phân bò được xử lý thành phân hữu cơ để bón cho 500 ha cánh đồng lúa, cỏ… sau đó rơm, cỏ lại trở thành nguồn thức ăn cho đàn bò. Bioga từ phân bò và năng lượng mặt trời trở lại đáp ứng các hoạt động của trang trại như thắp sáng, sấy cỏ, thanh trùng sữa cho bê. Khi đầu ra của quá trình này được tận dụng để làm đầu vào cho quá trình khác, kết hợp các giải pháp, lượng carbon trung hòa từ Green Farm đã tương đương 30.000 sân bóng đá phủ đầy cây xanh.
Ông Matthew Albon Crouch - Tuỳ viên nông nghiệp, Đại sứ quán Anh tại Hà Nội cho biết: “Hướng đến Net Zero vào năm 2050, những chuyển động của ngành nông nghiệp sẽ giúp Việt Nam cắt giảm gần 40% lượng phát thải khí nhà kính. Nỗ lực chuyển đổi nông nghiệp, mở rộng quy mô các cây trồng vật nuôi ít carbon và làm giàu cho hệ sinh thái rừng, không chỉ tạo một hệ sinh thái sản xuất bền vững mà còn đưa Việt Nam trở thành nguồn cung cho thị trường tín chỉ carbon của thế giới”.
Nông nghiệp tạo tín chỉ
Việt Nam đang sở hữu tài nguyên đất đai lớn với khí hậu đa dạng và được cho là nguồn cung ứng tín chỉ carbon đầy tiềm năng. Nếu mỗi ngành hàng có chiến lược phát triển dựa trên bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, văn hóa bản địa, tạo ra các sản phẩm có trách nhiệm thì cánh cửa xuất khẩu sẽ không chỉ dừng ở giá trị kim ngạch 62,5 tỷ USD và việc tham gia vào thị trường mua bán tín chỉ carbon để gia tăng thu nhập trên cùng một đơn vị canh tác không còn là điều xa vời.
Cùng với giảm phát thải trong sản xuất, doanh nghiệp còn đồng hành cùng các vườn quốc gia khoanh nuôi tái sinh rừng ngập mặn. Đây là cách để tạo ra những bể chứa carbon, bởi lượng hấp thụ carbon của rừng ngập mặn gấp 4 lần so với rừng trên cạn… Sau hai năm thực hiện khoanh nuôi tái sinh, từ bãi đất trống này đã có 100.000 cây mắm đang sinh trưởng tốt. Bằng cách này, sau 5 năm nữa, Vườn quốc gia mũi Cà Mau sẽ có thêm 600 ha rừng tự nhiên.
Ông Nguyễn Văn Đua - Ấp Cồn Mũi, xã Đất Mũi, Ngọc Hiển, Cà Mau chia sẻ: “Hộ gia đình của chúng tôi được giao khoán 9 ha, 7 rừng 3 mặt nước. Bây giờ bà con cũng có ý thức bảo vệ môi trường, khí hậu hiện nay nó thay đổi”.
Giữ rừng xanh hơn, còn dưới biển, người dân cũng đang hướng đến các đối tượng nuôi trồng có mức phát thải thấp. Nuôi hàu kết hợp rong biển hiện đang là mô hình phát thải bằng 0.
TS. Trương Văn Vinh - Phó trưởng Khoa lâm nghiệp, Trường Đại học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh nhận định: “Chúng tôi tính sau 5 năm lượng carbon tích lũy trên mặt đất và dưới mặt đất là 120 tấn/ha. Sau này, tín chỉ carbon chúng ta tạo ra được có thể giao dịch trên sàn. Do đó, chúng ta phải xác định chuẩn của chúng ta tương đồng với chuẩn của thế giới mà thị trường carbon đang hoạt động thì chúng ta có thể bán cho bất cứ đối tượng nào”.
Từ nông nghiệp phát thải đến nông nghiệp tạo tín chỉ, một tấn CO2 quy đổi tương đương được xem là một tín chỉ carbon. Riêng trong ngành nông nghiệp, dự kiến mỗi năm có thể đạt 57 triệu tín chỉ carbon, đem về gần 300 triệu USD.
Từ vị trí là ngành đứng thứ hai về phát thải khí nhà kính, ngành nông nghiệp đang tích cực thay đổi để hướng tới tăng trưởng xanh, bền vững
Tăng trưởng từ lựa chọn bền vững
Từ vị trí là ngành đứng thứ hai về phát thải khí nhà kính, ngành nông nghiệp đang tích cực thay đổi để hướng tới tăng trưởng xanh, bền vững. Trong khi Vietgap, Glogap vốn chỉ dừng ở những quy định sản xuất tốt, ESG ra đời vào đầu năm 2000 lại là một tiêu chuẩn bền vững rộng hơn, bao trùm hơn. ESG là viết tắt của ba từ: môi trường, xã hội, quản trị. Nhờ ESG, bà con nông dân không chỉ biết làm nông nghiệp vì sự sống mà còn mang lại giá trị kinh tế tốt hơn cho chính loại nông sản mà mình đã làm ra.
Từ làm theo tiêu chuẩn UTZ, 4T đến ESG, những trái cà phê trồng ở độ cao 1.000 m so với mặt nước biển của chị Thuận đã đạt đến tiêu chuẩn của cà phê đặc sản. Từ mức giá 6.000 đồng/kg quả tươi, năm 2024 giá cà phê nhân ở Sơn La đã chạm mốc 23.000 đồng/kg.
Chị Lường Thị Thuận - Xã Chiềng Chung, Mai Sơn, Sơn La cho biết: “Con đường sống còn của mình khi mình sản xuất bền vững mình mới đảm bảo được cuộc sống của mình về sau cũng như cho tương lai con của chúng mình”.
Ông Nguyễn Thành Công - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La nhận định: “Vùng trồng cà phê có thể gửi ngân hàng hơn 1.000 tỷ đồng cho thấy thu nhập từ cà phê rất bền vững và người dân đã từng bước tổ chức sản xuất cà phê một cách bền vững”.
Ông Phan Minh Thông - Tổng giám đốc Tập đoàn Phúc Sinh chia sẻ: “Trên thế giới một dòng nào đó gắn với chữ blue sẽ rất đắt tiền. Chúng tôi quyết định gắn chữ blue cho Sơn La”.
Ông Miguel Reguera - Trưởng phòng kinh doanh NewCoffee, Đức nêu ý kiến: “Khi cà phê Sơn La ra thị trường, chúng tôi mới có cái nhìn khác nhờ tư duy phát triển bền vững ESG. Mỗi năm, chúng tôi mua khoảng 80.000 tấn cà phê nhân để cung ứng cho các chuỗi bán lẻ lớn ở Đức. Trong bối cảnh khách hàng châu Âu hiện chỉ mua cà phê bền vững, đáp ứng gắt gao về EUDR, ESG, cà phê Việt Nam sẽ là một lựa chọn”.
Xuân này, lần đầu tiên những nông dân ở Mường Bon đã được uống cà phê do mình làm ra theo một cách khác. Họ đã hiểu từ hạt cà phê đến ly cà phê, dư địa để Việt Nam tăng giá trị nằm ở chính tư duy phát triển.
Hàng chục triệu USD nhận từ quỹ phát triển bền vững của châu Âu sẽ là nguồn lực để Việt Nam có thêm nhà máy, phòng thí nghiệm, phát triển con người, mở rộng vùng nguyên liệu theo chuẩn ESG. Nhưng giá trị lớn hơn chính là hình thành một thế hệ những người làm nông nghiệp biết lựa chọn bền vững là con đường sống còn.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!